Từ ngày 14.3 đến 14.4, các trường THPT bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ( ĐKDT) ĐH, CĐ năm 2011. Thời điểm này, thí sinh cũng bắt đầu làm và nộp hồ sơ ĐKDT...
* Hồ sơ đăng ký dự thi thành hồ sơ gốc
Một trong những điểm mới của công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 là Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định “Nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh trúng tuyển nhập học. “Bởi vậy, hồ sơ ĐKDT sẽ trở thành bản hồ sơ gốc của thí sinh khi trúng tuyển. Thí sinh và các trường THPT- nơi thu nhận hồ sơ của thí sinh, cần hết sức lưu ý và thận trọng khi làm hồ sơ ĐKDT, tránh sai sót…”- ông Hồ Xuân Cường, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
|
HS đã ngày càng cân nhắc, tìm hiểu kỹ hơn khi chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân. |
Các lỗi sai sót thường gặp của thí sinh khi làm hồ sơ ĐKDT là ghi thiếu tên, họ; sai ngày tháng năm sinh, ghi sai mã ngành, mã trường, hoặc ghi không đúng địa chỉ; hoặc nhờ người nhận giúp. Trong khi đó, về phía các trường THPT, vẫn còn tình trạng nhập sai mã ngành, mã trường và đối tượng ĐKDT của thí sinh. Một số trường nghiên cứu không kỹ các văn bản tài liệu về công tác tuyển sinh nên khi nhận hồ sơ ĐKDT còn trái tuyến hoặc hướng dẫn thí sinh khai khu vực ưu tiên không đúng theo quy định.
HS đang học lớp 12 THPT và HS đã tốt nghiệp THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đó. HS đã tốt nghiệp THPT các năm trước không có điều kiện về trường THPT để nộp hồ sơ ĐKDT (gọi là thí sinh tự do) mã 00, thí sinh vãng lai (có hộ khẩu ở tỉnh khác) mã D7, nộp hồ sơ ĐKDT tại Sở GD-ĐT. Các trường cao đẳng nghề, THPT và các trung tâm Giáo dục thường xuyên, GDTX-HN không được thu nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh vãng lai (mã D7) kể cả thí sinh đang học tại trường mình.
Thời gian thu nhận hồ sơ ĐKDT và lệ phí ĐKDT vào các trường ĐH,CĐ thống nhất trên toàn quốc: tại các trường THPT và Sở GD-ĐT từ ngày 14.3 đến 17 giờ ngày 14.4.2011; tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi, từ ngày 15.4 đến 17 giờ ngày 21.4.2011.
Đối với thí sinh có nguyện vọng 1 (NV1) học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có cùng khối thi; đồng thời, nộp 1 bản phô-tô mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ cao đẳng của trường đại học. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo NV1 vào trường không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của trường ĐH.
* Chọn ngành: hãy cân nhắc kỹ
Khi làm hồ sơ ĐKDT, thí sinh cần lưu ý mục số 2 và số 3:
Mục số 3 không phải là nơi ghi NV2. Nếu thí sinh có NV1 học tại trường có tổ chức thi thì khai đầy đủ ở mục 2, không khai mục 3. Nếu thí sinh có NV1 học tại các trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH thì khai mục 2 gồm tên trường, ký hiệu trường, khối thi và không khai mã ngành; còn mục 3 khai đầy đủ nội dung của trường không tổ chức thi mà thí sinh có NV1. |
Tại buổi tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức hôm 8.3 tại TP Quy Nhơn, rất nhiều HS từ các trường THPT đã đến dự vì muốn tìm hiểu nhiều thông tin bổ ích hơn trước khi đặt bút “quyết định tương lai”. Một bạn gái là HS Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo (Cát Hanh, Phù Cát) đã nhờ người cha chở vào Quy Nhơn nghe tư vấn để chọn ngành, nghề chính xác hơn, mặc dù em đã chọn “đích đến” là Trường ĐH Quy Nhơn.
Sau 5 năm nữa ngành nào có thu nhập cao và dễ kiếm việc làm- là vấn đề được nhiều HS và phụ huynh quan tâm trong buổi tư vấn. Làm ngành nào có thu nhập cao, ông Nguyễn Quốc Bính, Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Hùng Vương, khẳng định: “Dù ở ngành nào đi nữa, nếu sinh viên biết vận dụng kiến thức và kỹ năng các trường trang bị vào chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp công cộng trong công việc đều sẽ thành công, có thu nhập cao. Năng lực của sinh viên mới là quyết định…”. Nhìn chung, HS đã ngày càng cân nhắc, tìm hiểu kỹ hơn khi chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân; tìm hiểu cặn kẽ cơ hội học liên thông lên đại học nếu thi trượt; tuy vậy, cũng có bạn khá thờ ơ, đến đâu hay đến đấy. Thời gian nộp hồ sơ ĐKDT còn cả tháng, bởi vậy, thí sinh nên tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ về ngành nghề, trường dự thi cũng như cơ hội kiếm việc sau khi ra trường trước khi nộp hồ sơ, tránh tình trạng “sai một ly, đi một dặm”, chạy loanh quanh mãi mới đến đích.
|