Nhằm tạo cơ hội học hành cho HS người dân tộc thiểu số, thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc bán trú theo mô hình “dân nuôi” đã được xây dựng tại các vùng miền núi, trung du để tiện cho HS đến trường. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ của Nhà nước 140 ngàn đồng/tháng/HS x 9 tháng/năm (từ năm 2007) trong khi vật giá ngày một leo thang, cộng với điều kiện gia đình của HS dân tộc thiểu số vốn rất khó khăn, thì việc duy trì bữa ăn đủ chất và lượng cho HS là chuyện rất khó…
Tôi ghé Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hoài Ân vừa khi nhà bếp nấu xong bữa cơm chiều cho HS. Thực đơn gồm: cá biển kho nước, canh rau và rau sống. Bà Nguyễn Thị Tâm, phụ trách chính bếp ăn của trường, nói: “Hôm nay cá rẻ nên bình quân mỗi em được một con cá; như thế là sang rồi đấy. Chứ mấy hôm trước, mỗi bàn ăn 5 HS tiêu chuẩn chỉ được 2 con cá nục nhỏ như hai ngón tay thôi. Bữa ăn của các em chủ yếu cá kho, canh và rau. Hết rau sống, rau luộc lại quay sang dưa bóp chua. Thịt đắt quá, làm sao ăn nổi…”.
|
HS Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hoài Ân chơi bóng sau giờ học. |
Trong tổng số 200 HS là con em dân tộc thiểu số ở 3 xã vùng cao Đắk Mang, Bok Tới và Ân Sơn đang theo học tại trường, có 65 em được hưởng chế độ học bổng của HS nội trú (584 ngàn đồng/tháng x 12 tháng); còn lại hưởng chế độ hỗ trợ của HS bán trú. Để không phân biệt chế độ ăn bán trú - nội trú, nhà trường đã họp bàn với phụ huynh HS thống nhất, ngoài tiền hỗ trợ 140 ngàn đồng/tháng, mỗi tháng gia đình của HS bán trú đóng thêm 130 ngàn đồng nữa, vị chi 270 ngàn đồng/tháng. Tiền ăn của HS bình quân 9.000 đồng/ngày, gồm: 5.500 đồng tiền gạo + chất đốt, 1.000 đồng ăn sáng, 2.500 đồng còn lại chia đều cho thức ăn 2 bữa trong ngày…
Nhìn bữa cơm chiều hôm ấy và nghe một HS nữ lớp 8A2 kể: “Năm ngoái, tụi em được ăn bữa sáng có bánh hỏi, còn nhớ miết đến giờ. Ăn ở trường cũng ngon, nhưng lâu thiệt lâu tụi em mới được ăn thịt…”, tôi không khỏi ái ngại khi các em đang tuổi ăn, tuổi lớn; dù rằng bữa ăn tập thể có khi còn ngon hơn bữa cơm nhà của các em.
Vậy nhưng, bữa ăn của HS thiểu số ở Hoài Ân còn có “chất” hơn so với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Nĩ (huyện An Lão) vì lẽ HS ở trường này, ngoài số tiền hỗ trợ 140 ngàn đồng/tháng, gia đình các em chẳng có khoản đóng góp nào thêm. Ông Tạ Thành Long, Hiệu trưởng Trường, cho biết, vì không có tiền để mua thêm thức ăn, nên giáo viên và HS phải tự tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi cá để hỗ trợ thêm “chất” cho các em. Tính chi li, chế độ tiền ăn của HS gói gọn trong 6.363 đồng chia đều cho 3 bữa, trong đó tiền gạo đã mất 5.000 đồng. Vì thế, bữa ăn của HS quanh năm vẫn là cá mặn, thịt mỡ…
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, mô hình bán trú dân nuôi được hình thành tại tỉnh ta từ năm 2000 theo phương châm nhà trường và gia đình cùng đóng góp. Gia đình gởi gạo, thức ăn để cho con em “ấm dạ” đến trường. Ngày 20.7.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 112/2007/QĐ-TTg về việc hỗ trợ HS bán trú là con các hộ nghèo đang học tại các trường phổ thông về tiền ăn với mức hỗ trợ 140 ngàn đồng/tháng x 9 tháng/năm, nhằm tạo điều kiện hơn cho HS.
Nhưng đã gần 4 năm kể từ khi quyết định ra đời; giá lương thực, thực phẩm đã tăng nhiều. Ông Bình cho biết, sắp tới chế độ cho HS dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện vì Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển giáo dục cho HS các dân tộc thiểu số giai đoạn 2010-2015.
“Cả thầy và trò chúng tôi đang chờ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc hỗ trợ HS bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú) có hiệu lực. Khi ấy, các em được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu, hy vọng chất lượng bữa ăn sẽ được cải thiện khá hơn…”- ông Tạ Thành Long nói.
|