KHU TÁI ĐỊNH CƯ NHƠN PHƯỚC:
Đã an cư, chờ lạc nghiệp
21:57', 15/3/ 2011 (GMT+7)

Nằm trên tỉnh lộ 639, cách cầu Thị Nại 6 km, nhìn từ xa, khu tái định cư (TĐC) Nhơn Phước đã nên hình nên dáng dù mới có hơn 150 hộ chuyển đến ở. Cuộc sống mới của người dân TĐC sau khi di dời để xây dựng KKT Nhơn Hội đã có nhiều cái mới và cũng còn những nỗi ưu tư.

 

Một góc khu TĐC Nhơn Phước.

 

* Về nhà mới

Cách đây 5 năm, khu TĐC Nhơn Phước được khởi công xây dựng, nhằm bố trí TĐC cho trên 500 hộ dân phải giải tỏa, di dời để xây dựng KKT Nhơn Hội. Còn nhớ, cũng thời điểm ấy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh tại xã, nội dung được người dân quan tâm nhất là liên quan đến việc di dời, giải tỏa, đền bù. Không lo lắng, băn khoăn sao được khi việc thay đổi nơi ở sẽ kéo theo những thay đổi về công việc, nghề nghiệp, lối sống... Và điều đó liên quan đến mấy ngàn người dân ở 3/5 thôn phải giải tỏa trắng của xã Nhơn Hội là Hội Bình, Hội Sơn và Hội Lợi.

Còn bây giờ... khu TĐC Nhơn Phước rộng 30 ha đã nên hình nên dáng. Hầu hết những con đường nội bộ khu TĐC đều có nhà. Tuy đa số chỉ là nhà cấp bốn nhưng căn nào cũng khang trang, rộng rãi. Trò chuyện với khách trong ngôi nhà rộng 150m2 mới xây dựng cuối năm 2010, bà Võ Thị Xướng, trước ở thôn Hội Sơn, vui vẻ cho biết: “Từ tiền đền bù 400m2 nhà, đất và 6.000m2 đất ruộng được hơn 600 triệu đồng, tôi mới có tiền chia cho các con và xây ngôi nhà này. Hai con trai tôi, mỗi đứa đã mua được lô đất 150m2 ở khu TĐC này”.

Nhằm hỗ trợ người dân TĐC, các chính sách đi kèm cũng đã và đang được triển khai. Nhiều băn khoăn, lo lắng của họ trước khi di dời đã được giải quyết. Theo đó, việc tách hộ đối với những hộ đông con cũng được quan tâm giải quyết, và hộ tách ra thứ hai được mua đất với chế độ ưu đãi. Mỗi hộ xây nhà cũng được hỗ trợ 18 triệu đồng để gia cố móng. Người dân TĐC còn được hỗ trợ 100% tiền thuế nhà đất trong 3 năm đầu và miễn phí nước sinh hoạt trong 5 năm đầu. Trong thời gian chuyển đổi nghề từ nông, ngư nghiệp sang các ngành nghề khác, người dân được hỗ trợ tiền ăn với mức 30 kg gạo/người/tháng trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ thêm ngoài mức đền bù theo quy định đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.

Về cơ sở hạ tầng khu TĐC, ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ địa chính xã Nhơn Hội, cho biết: Các công trình hạ tầng phục vụ người dân trong khu TĐC Nhơn Phước đã và đang được xây dựng. Trường mẫu giáo, tiểu học và THCS Nhơn Hội, trạm y tế xã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhà máy nước, hệ thống điện, đường tại khu TĐC cũng đã cơ bản hoàn chỉnh. Theo kế hoạch, tháng 6 này, khu hành chính xã sẽ chuyển lên đây.

 

Bà Võ Thị Xướng trong ngôi nhà mới xây cuối năm 2010 ở Nhơn Phước.

 

* Chờ lời giải cho bài toán việc làm

Cuộc sống đã bắt đầu những nhịp mới ở nơi TĐC, tuy nhiên, với đa số người dân sống ở đây, vẫn còn nhiều điều làm họ băn khoăn, chưa yên tâm.

Các hộ dân thuộc khu vực giải tỏa đều làm nghề nông, nuôi trồng thủy sản. Khi chuyển đến nơi ở mới, không còn đất nông nghiệp hay diện tích mặt nước để sản xuất, người dân phải chuyển đổi ngành nghề. Thời gian đầu, nhiều hộ mở quầy hàng tạp hóa, quán cà phê, nhưng rồi dẹp dần vì ế ẩm. Những cửa hàng mới mở gần đây và có xu hướng phát triển là buôn bán vật liệu xây dựng.

Và có lẽ việc chuyển đổi nghề nghiệp của người dân Nhơn Hội ở nơi định cư mới hiện cũng chỉ đến đấy. Còn lại, cuộc sống mới của bà con được gói gọn trong một câu, như lời bà Võ Thị Xướng nói: “Sướng là có thời gian rảnh rỗi, nhưng khổ là không có việc làm”. Vì khu công nghiệp trong KKT Nhơn Hội chưa có nhiều nhà máy hoạt động nên một số người phải đi làm công nhân gỗ, khai thác titan, thợ hồ ở những nơi khác, còn lại thì ai thuê gì làm nấy. Nhưng đó cũng chỉ là số ít, còn lại nhiều người vẫn không tìm được việc làm. Bà Đặng Thị Hiệp, 66 tuổi, trước ở thôn Hội Sơn, cho biết, 4 gia đình các con trai của bà đã chuyển lên khu TĐC, hiện người thì thất nghiệp, người thì về lại nhà cũ làm nghề cũ như đi củi, đốt than.

Tình trạng thiếu việc làm dẫn đến việc một số hộ biết tính toán thì gởi tiền được đền bù vào ngân hàng để lấy lãi và bảo toàn vốn. Nhưng cũng không ít người, vì choáng ngợp trước số tiền quá lớn có được, đã tiêu xài phung phí. Còn lại, một số nhà khác dù không vung tay trong chi tiêu thì cũng lâm vào tình trạng “miệng ăn núi lở”.

Điều này được ông Nguyễn Văn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, xác nhận: “Đúng là việc chuyển đổi nghề của người dân tại khu TĐC Nhơn Phước còn nhiều khó khăn. Khi chưa quy hoạch KKT Nhơn Hội, cơ cấu kinh tế của xã là nông- lâm - thủy sản. Nhưng bây giờ khi bà con đã di dời mà KKT cũng chưa hoạt động thì xã cũng không thể định hướng người dân phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ và nuôi trồng thủy sản được. Chính vì thế, mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây là KKT Nhơn Hội nhanh chóng đi vào hoạt động để thu hút lao động phổ thông, và các nhà máy ở đây nên ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương trước”.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng làm khá nhiều người dân nơi đây thắc mắc, dẫn đến chậm di dời và khiếu nại là chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề theo mức đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi không đồng nhất giữa người di dời trước và sau, dù trong cùng dự án. Cụ thể, những người di dời trước tháng 10.2010 được hỗ trợ thêm 40% trị giá tiền đền bù đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; trong khi đó, những người di dời từ tháng 10.2010 trở về sau, theo quy định mới của tỉnh, được hỗ trợ thêm gấp 3 lần mức tiền đền bù. Theo ông Nguyễn Văn Thường, những mức hỗ trợ này là thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, dựa trên các quy định của Trung ương, và có giá trị áp dụng trong từng thời điểm mà quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực. “Chúng tôi đã thành lập đoàn cán bộ đến từng hộ dân giải thích cho họ hiểu, song nhiều hộ vẫn đề nghị được tỉnh xem xét lại, bởi khoảng cách chênh lệch trong chế độ hỗ trợ là khá lớn” - ông Thường cho biết thêm.

Như vậy, thực tế từ cuộc sống của người dân ở khu TĐC Nhơn Phước cho thấy, người dân đã an cư và đang mong mỏi được tạo các điều kiện để lạc nghiệp. Đó là nguyện vọng chính đáng của người dân và cũng không nằm ngoài chủ trương của tỉnh, nhằm hướng đến mục tiêu người dân đến nơi ở mới phải tốt hơn, hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đủ lượng, thiếu chất   (14/03/2011)
Cẩn thận làm hồ sơ, cân nhắc kỹ chọn trường   (14/03/2011)
Thôn Truông Gia Vấn: nghèo… toàn tập!   (14/03/2011)
Xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân sai phạm về tài chính-ngân sách   (14/03/2011)
59,3% tổng số dân tham gia BHYT   (14/03/2011)
Khảo sát thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông   (14/03/2011)
Cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp  (13/03/2011)
Chiến tích mới của lính Công binh  (13/03/2011)
“Làng rượu” bên sông Côn…  (13/03/2011)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Tuy Phước và Quy Nhơn  (12/03/2011)
Chuẩn bị cho “ngày hội” của phụ nữ   (12/03/2011)
Bình Định xếp thứ ba toàn đoàn   (12/03/2011)
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng Bình Định ưu tiên sử dụng  (12/03/2011)
Ưu tiên dạy nghề cho lao động nông thôn   (11/03/2011)
“Giữ chân” lao động   (11/03/2011)