Phong trào thi đua lao động sản xuất, nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo của đồng bào các dân tộc ở làng Kà Bưng, xã Canh Thuận (Vân Canh) đang ngày càng phát triển. Anh Đinh Văn Rách, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Kà Bưng, cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ phong trào thi đua lao động sản xuất được đồng bào các dân tộc trong xã hưởng ứng nhiệt tình. Bà con không ai bảo ai nhưng đều nỗ lực sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình để cho bằng bạn, bằng bè. Mỗi năm, làng Kà Bưng đưa vào sản xuất hơn 60 ha đất nông nghiệp với các loại cây chủ lực như mì, mía và rau đậu các loại, còn đất ở vùng cao không sản xuất nông nghiệp được thì đưa vào trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong chăn nuôi, bà con chú trọng nuôi bò lai, nuôi dê…; đồng thời, chú trọng việc tiêm phòng vắc- xin nên không xảy ra dịch bệnh. Kinh tế phát triển, bà con có thêm tích lũy để xây nhà, mua sắm các phương tiện sinh hoạt trong gia đình, con cái được chăm sóc chu đáo hơn”.
Đến làng Kà Bưng, gặp gỡ và chia sẻ với chúng tôi là những ánh mắt, nụ cười hân hoan của những người nông dân vừa được thoát nghèo. Trước đây do thiếu vốn, thiếu phương cách làm ăn, cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng bám lấy vùng đất này. Nay, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội trong hướng dẫn cách làm ăn và vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, đã tạo động lực đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của dân làng Kà Bưng.
Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Canh, cho biết: “Kà Bưng nguyên là một làng thuộc xã Canh Liên. Làng thuộc vùng sâu, vùng xa, giáp ranh với tỉnh Gia Lai, đời sống người dân nơi đây rất khó khăn, quanh năm đối mặt với đói nghèo. Năm 2000, một số đồng bào dân tộc Bana đã bỏ làng di cư xuống xã Canh Thuận sinh sống, thành lập làng. Hiện cả làng có 51 hộ, 198 nhân khẩu, đa phần là người đồng bào dân tộc Bana nghèo. Nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền… nên đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá, đời sống tinh thần cũng được nâng cao”.
Những năm trước, gia đình anh Hồ Sỹ Tuấn nằm trong danh sách hộ nghèo. Từ nguồn vốn được vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và sự giúp đỡ của các hội, đoàn thể huyện, xã, gia đình anh đầu tư chăn nuôi bò, heo. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, đủ ăn, đủ mặc. Trả xong vốn vay của ngân hàng anh còn mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Còn anh La Mai Thảo thì tâm sự: “Nhà nước quan tâm cho vay với lãi suất thấp nhưng không bày cách trồng mía, trồng mì, nuôi gà, vịt thì gia đình tôi không bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo đói” .
Ở Làng Kà Bưng, ngày càng nhiều gia đình đã ra khỏi danh sách các hộ đói nghèo và vươn lên khấm khá như thế.
|