Dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trở lại
20:15', 16/3/ 2011 (GMT+7)

Đến thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 đã lan ra 30 tỉnh, thành trong cả nước, với 7 trường hợp tử vong. Tại Bình Định, thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cũng xác nhận đã xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Trường THCS Tây Sơn (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn).

* Xin ông cho biết, tình hình sức khỏe của học sinh và việc xử lý đối với chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Trường THCS Tây Sơn?

- Sau gần 1 tuần xuất hiện, Trường THCS Tây Sơn đã có 47 học sinh có các triệu chứng của hội chứng cúm: ho, sốt nhẹ, sổ mũi… Kết quả xét nghiệm có 5/7 mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1N1-2009. Đến nay, hầu hết các ca bệnh đều khỏi, đã đi học trở lại và cũng chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới nào nữa. Ngành Y tế đã áp dụng các biện pháp xử lý theo quy trình xử lý ổ dịch cúm A/H1N1. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện, điều trị sớm và cách ly kịp thời bệnh nhân.

 

Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh tại Bình Định cũng từ sự xuất hiện và lây lan nhanh của các chùm ca bệnh trong trường học. Ảnh: V.Lưu

 

* Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh tại Bình Định cũng từ sự xuất hiện và lây lan nhanh của các chùm ca bệnh trong trường học. Thời điểm đó, Trường THCS Tây Sơn cũng là một trong những ổ dịch đầu tiên của tỉnh. Liệu sự xuất hiện này có lặp lại diễn biến dịch năm 2009?

- Biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân tại Trường THCS Tây Sơn đều nhẹ, tuy nhiên khả năng lây lan dịch cúm A/H1N1 rất nhanh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết Đông-Xuân hiện nay rất thuận lợi cho dịch lây lan nhanh trong cộng đồng. Dự báo trong thời gian tới, số ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng, nhưng không đến mức như năm 2009.

Tổ chức Y tế Thế giới phân tích đây là thời điểm “đuôi dịch”, điều đó không có nghĩa, vi rút cúm A/H1N1 đại dịch biến mất mà có thể tiếp tục lưu hành như cúm mùa thông thường trong các năm tới. Nhưng, điều đáng lưu ý là trong quá trình lưu hành, các kháng nguyên của vi rút cúm luôn luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ dần dần tích lại thành những biến đổi lớn, tạo nên các phân tuýp kháng nguyên mới gọi là “thay đổi kháng nguyên”. Đặc biệt là sự tái tổ hợp giữa vi rút cúm người và cúm động vật, những phân tuýp kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch trên toàn cầu. Vì vậy, bệnh cúm luôn là bệnh nguy hiểm và khó dự báo trước.

* Đã có 7 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 ở các địa phương trong cả nước vào đầu năm 2011 xuất hiện trên một số nhóm bệnh nhân đặc biệt…?

- Phần lớn các trường hợp mắc cúm A/H1N1 mới có biểu hiện lâm sàng nhẹ, nhưng có thể gây bệnh nặng ở nhóm nguy cơ cao (bà mẹ có thai, những người mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch…) và gây tử vong. Với những đối tượng này và những trường hợp có biểu hiện lâm sàng nặng như sốt cao, tức ngực, khó thở… thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong. Quan trọng là phải phát hiện, điều trị bệnh  sớm và cách ly kịp thời.

* Vậy ông có khuyến cáo gì trước tình hình dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ bùng phát trở lại?

- Dịch có thể bùng phát tại các địa phương, cộng đồng vẫn hết sức cảnh giác và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với người bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chỉ định điều trị sớm và cách ly kịp thời, nhất là nhóm người có nguy cơ cao. Người bệnh được cách ly tốt, điều trị sớm sẽ đáp ứng tốt với thuốc kháng vi rút, giảm sự phát tán mầm bệnh ra môi trường nên hạn chế lây lan cho người khác. Ca bệnh được cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị tùy theo tình trạng bệnh (theo chỉ định của thầy thuốc) trong thời gian 7 ngày sau khi khởi phát. Đồng thời áp dụng ngay biện pháp phòng bệnh đường hô hấp như: đeo khẩu trang, che miệng mũi bằng khăn khi ho và hắt hơi sau đó giặt sạch hoặc hủy khăn ngay; súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn miệng; rửa tay thường xuyên với xà phòng; tăng cường thông khí nhà cửa bằng cách mở hết cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn Ethanol 70 độ.

- Người tiếp xúc với người bệnh phải áp dụng biện pháp phòng lây nhiễm như người bệnh. Khi có các triệu chứng đường hô hấp cấp tính thì nghỉ ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác và thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn miệng; vệ sinh môi trường, thông thoáng nhà cửa; hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

* Xin cảm ơn ông!

  • Thu Hiền (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lấy ý kiến cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh   (16/03/2011)
Phân bổ kinh phí bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp  (16/03/2011)
Bà con làm theo anh Trưởng làng tuổi hai mươi  (16/03/2011)
Người cao tuổi được quan tâm nhiều hơn  (16/03/2011)
Tổ chức sinh hoạt đối thoại dân chủ  (15/03/2011)
Hạn chế sai sót khi làm hồ sơ ĐKDT  (15/03/2011)
Chuẩn bị các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam  (15/03/2011)
Thảo luận các dự thảo phương án thành lập các ban bầu cử  (15/03/2011)
Xuất hiện chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 tại trường học  (15/03/2011)
Kà Bưng no ấm hơn  (15/03/2011)
Đã an cư, chờ lạc nghiệp  (15/03/2011)
Đủ lượng, thiếu chất   (14/03/2011)
Cẩn thận làm hồ sơ, cân nhắc kỹ chọn trường   (14/03/2011)
Thôn Truông Gia Vấn: nghèo… toàn tập!   (14/03/2011)
Xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân sai phạm về tài chính-ngân sách   (14/03/2011)