Lâu nay, người dân ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) phần lớn sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Để đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng nông thôn mới, xã đang nỗ lực đào tạo nghề cho họ, nhằm tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hoài Hương là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Để xây dựng nông thôn mới, xã phải hoàn thành 19 tiêu chí của Chính phủ; trong đó, tập trung xây dựng 2 tiêu chí là tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động cho nông dân.
|
Nghệ nhân đang truyền nghề đan mây xuất khẩu cho một hộ dân. Ảnh: Nguyễn Phúc |
Hiện tại, người dân trong xã sống bằng nghề nông và chủ yếu là nghề khai thác, đánh bắt hải sản; tuy nhiên, quy mô đánh bắt còn nhỏ lẻ, phân tán nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Số lao động có việc làm ở xã khoảng 8.000 người, trong khi số thất nghiệp chiếm khoảng 15%.
Trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, xã đã chủ trương tập trung cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân. Các cơ quan, ban, ngành chức năng trong xã đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân trên địa bàn; trong đó, chú trọng kết hợp công tác tuyên truyền, tư vấn cho bà con nông dân nắm rõ nhu cầu việc làm ở địa phương. Trên cơ sở đó, xã đã phân loại nhu cầu học và tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Trong năm 2010, đã có 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề được tổ chức tại xã, thu hút gần 800 học viên, nông dân đăng ký tham gia.
Nhiều nông dân sau khi được tập huấn, bồi dưỡng nghề đã có việc làm cũng như mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi. Anh Trần Văn Nam (thôn Ca Công Nam) cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, ban đầu chúng tôi còn bỡ ngỡ vì kiến thức hạn chế. Tuy nhiên, được giáo viên nhiệt tình chỉ dẫn, “cầm tay chỉ việc” cộng với chương trình tập huấn rất thiết thực với nghề trồng trọt, chăn nuôi nên tôi đã học được một số kỹ năng thiết thực cho hoạt động sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình”.
Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề, nhiều hội viên, nông dân đã có thể tự tay làm ra các sản phẩm như mây, tre đan, bẹ chuối, mỹ nghệ xuất khẩu… với chất lượng khá, mang lại thu nhập đáng kể. Đến nay, đã có hơn 500 lao động tham gia các ngành, nghề thủ công trên địa bàn xã. Nhiều học viên sau khi học nghề đã được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện, nhất là các cơ sở đã tham gia tạo điều kiện cho học viên, nông dân thực hành nghề. Đa phần nông dân tham gia học nghề đều đã sống bằng nghề và có thu nhập ổn định; trong đó, nhiều người đã trở thành thợ có tay nghề cao. Số lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định chiếm hơn 70%.
|