Chuyện không bao giờ cũ
19:51', 19/3/ 2011 (GMT+7)

Một người bạn của tôi công tác trong ngành văn hóa, than phiền về thái độ xử sự của vài thầy thuốc đối với cha anh, khi ông đến khám ở một bệnh viện. Anh kể lại rằng, hai y tá trẻ, một nam và một nữ, đã nói năng với ông cụ theo cái lối mà dân gian vẫn gọi là “dùi đục chấm mắm nêm”. Đó là gì nếu không phải là chuyện lễ nghĩa?

Một lần nọ, với tư cách thường dân, tôi có việc phải đến trụ sở phường. Tiếp chuyện tôi là một anh nhân viên văn phòng đáng tuổi con tôi. Trong gần mười phút, hình như anh không một lần nhìn vào mặt tôi mà nhìn ra đường, hoặc nhìn lên trần nhà. Anh đường hoàng ngồi sau bàn viết, còn tôi thì đứng vì tôi không hề được mời ngồi. Đó là gì nếu không phải là chuyện lễ nghĩa?

Bác tôi kể thời còn chiến tranh, một lần bác may mắn thoát chết khi trực thăng Mỹ đánh đúng vào điểm đóng quân của một đơn vị đặc công giải phóng. Trực thăng chiến đấu quần sát ngọn chuối, yểm trợ cho bộ binh. Ra khỏi vòng vây độ năm trăm thước, bác tôi lội từ dưới rạch, băng ngang sân một nhà dân, để lại những dấu chân lấm bùn. Bác tôi còn kịp dặn chủ nhà: “Bà con ra lau giùm dấu chân tôi, không thì tụi nó làm khó dễ bà con”. Bác vừa quay lưng chạy tiếp thì nghe từ trong nhà vọng theo hai tiếng “cảm ơn”. Hai tiếng “cảm ơn” đó là gì nếu không phải là lễ nghĩa? Mà những người nông dân đó chắc chẳng được học hành bao nhiêu đâu!

Dường như có một cách hiểu rằng, lễ nghĩa là chuyện của đạo đức phong kiến. Hiểu như vậy chẳng hóa ra chỉ có giai cấp phong kiến (hoặc người mang nặng tàn tích phong kiến) mới biết sống theo lễ nghĩa sao? Từ điển định nghĩa: “Lễ nghĩa là phép tắc và lẽ phải của xã hội mà mọi người phải làm, phải theo”. Mà thôi, vấn đề đâu phải là từ ngữ, khái niệm. Vấn đề là lối sống, là văn hóa…

Lễ nghĩa biểu thị sự quý trọng giữa con người với nhau, sự quan tâm giữa con người với nhau. Lễ nghĩa không làm giảm phẩm giá con người mà trái lại, tôn trọng người khác là biểu thị lòng tự trọng. Quý trọng người cao tuổi hơn mình đã đành, mà còn cần quý trọng cả người ít tuổi hơn mình, kể cả con cháu mình.

Hơn chục năm trước, một nhà nghiên cứu văn hóa lão thành nói với tôi là có người bảo với ông: Thời hiện đại mà rao giảng đạo đức thì chẳng khác nào “ca vọng cổ giữa chợ”!? Đọc những dòng này chắc sẽ có một số người bĩu môi: “Chuyện cũ mèm! Chuyện của mấy lão cù lần gần đất xa trời ấy mà”.

Đúng là chuyện cũ mèm. Trước đây hàng thế kỷ, sách “Quốc văn giáo khoa thư” đã dạy về gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên, nào “gọi dạ bảo vâng”, nào “đi phải thưa về phải trình”… Nay đầu đã hai thứ tóc, kiểm lại thấy mình còn phải nhớ và phải làm theo hoài những bài học cũ mèm như vậy. Mà không vậy thì làm sao có một nếp sống văn hóa, một xã hội văn minh?

  • Chàng Xuân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao tỉ lệ và chất lượng nữ đại biểu  (19/03/2011)
1.479 học sinh tham gia  (19/03/2011)
Đào tạo nghề ở nông thôn   (18/03/2011)
Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề  (18/03/2011)
Chính phủ giao ban trực tuyến về thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP  (18/03/2011)
Kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử trong toàn tỉnh   (18/03/2011)
Bầu đồng chí Mai Thanh Thắng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh  (18/03/2011)
Lập hồ sơ nạn nhân chất độc da cam/dioxin dưới 18 tuổi  (18/03/2011)
Khai mạc Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 11 cấp tỉnh   (18/03/2011)
Triển khai kế hoạch bảo vệ Festival Lâm sản Việt Nam   (18/03/2011)
Đã tìm thấy em học sinh bị mất tích  (18/03/2011)
Học sinh mất tích còn sống  (17/03/2011)
Một nhiệm kỳ nhiều đổi mới  (18/03/2011)
Tiếp nhận 51 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh  (17/03/2011)
Bình Định đã làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm và an sinh xã hội  (17/03/2011)