Năm 2011, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định là một trong 7 bệnh viện của cả nước được tài trợ thuốc triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc. Đây là cơ hội cho bệnh nhân lao kháng thuốc ở tỉnh ta và là điều kiện để bệnh viện phát hiện, điều trị, quản lý tốt hơn bệnh nhân lao kháng thuốc, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng.
* Thêm cơ hội cho người bệnh
Năm 2006, thạc sĩ Nguyễn Anh Quân, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, đã thực hiện đề tài nghiên cứu phác đồ điều trị cho 75 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc. Năm 2011, cùng với sự đầu tư phòng xét nghiệm và labo nuôi cấy vi khuẩn lao tương đối hoàn chỉnh, Bệnh viện được đưa vào danh sách triển khai điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới.
|
Việc được tài trợ thuốc không chỉ là cơ hội cho bệnh nhân mà còn là điều kiện để bệnh viện phát hiện, điều trị, quản lý tốt hơn bệnh nhân lao kháng thuốc, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng. Ảnh: T.H |
Hiện tại, Bệnh viện được Tổ chức Y tế Thế giới cấp 20 cơ số thuốc điều trị cho 20 bệnh nhân. Thạc sĩ Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Khám- Cấp cứu- Chỉ đạo tuyến, phụ trách chương trình điều trị lao kháng thuốc của Bệnh viện, cho biết: “Chi phí điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc trong liệu trình 18-24 tháng, gấp 100 lần chi phí điều trị bệnh lao thông thường. Hiện nay, chi phí này hơn 100 triệu đồng/bệnh nhân và được miễn phí hoàn toàn”.
Trước đây, nguồn lây của bệnh lao kháng thuốc rất nguy hiểm vì các phác đồ điều trị của Chương trình Chống lao Quốc gia gồm các thuốc kháng lao hàng 1 đã được sử dụng, nhưng tỉ lệ tái phát cao. Vì thế, việc Bình Định được triển khai chương trình điều trị lao kháng thuốc đã có thêm cơ hội sống cho bệnh nhân lao.
Anh N.H.Đ (47 tuổi, ở TP Quy Nhơn) “chết điếng” khi biết mình mắc bệnh lao kháng thuốc. Nhưng niềm vui đã trở lại khi anh được sàng lọc điều trị. Anh cho biết: “Đây đã là tuần điều trị thứ 5, ngày nào tôi cũng được tiêm và uống thuốc 1 lần. Mỗi lần uống thuốc người rất mệt, chán ăn, nhưng tôi vui lắm vì mình còn có cơ hội khỏi bệnh”.
Bác sĩ Nguyễn Anh Quân cho biết: việc điều trị lao kháng thuốc phải theo một quy định rất chặt chẽ. Phần lớn bệnh nhân ở trong độ tuổi lao động nên Bệnh viện chỉ tập trung điều trị nội trú trong 1 tháng; sau đó bệnh nhân được tiêm và uống thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế địa phương, hoặc người nhà.
* Bệnh nhân vẫn còn nhiều
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quân, ở Bình Định mỗi năm có khoảng 50 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc và số này tăng hàng năm theo cấp số nhân. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có chưa đến 200 bệnh nhân được điều trị. Đó là chưa kể, cứ 1 bệnh nhân lao kháng thuốc không được điều trị và quản lý sẽ lây bệnh cho 20 người và số chuyển thành lao kháng thuốc tự nhiên là 2,7%. Tính ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc trong cộng đồng khá lớn. Chưa kể khó khăn về nguồn thuốc điều trị lao kháng thuốc mà ngay cả khả năng 50-70% bệnh nhân đáp ứng được sau điều trị cũng không đơn giản.
Trong số 20 bệnh nhân được điều trị lao kháng thuốc tại Bệnh viện, có khoảng 70% trong độ tuổi lao động. Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, nguyên nhân chính vẫn là việc điều trị không tuân theo lộ trình, dù có 3% bệnh nhân lao kháng thuốc là những người chưa bao giờ dùng thuốc lao.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Quân cho biết: Kết quả điều trị cho 20 bệnh nhân đầu tiên phải đến 6 tháng sau mới đánh giá được. Hầu hết bệnh nhân đều bị nhiều tác dụng phụ, nên hiện đã có 1 bệnh nhân không đáp ứng được, một số bệnh nhân có ý định bỏ điều trị. |
Anh L.C.T, 31 tuổi, ở huyện Tuy Phước, cho biết: “Tôi mắc bệnh lao từ năm 2005, nhưng ỷ vào sức khỏe nên điều trị được 2 tháng, thấy người khỏe thì bỏ. Lần nhập viện thứ 3 này, tôi phải bỏ việc vào viện quyết tâm điều trị cho khỏi”. Còn với bà T.T.T.H, 70 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, từ ngày phát hiện mắc bệnh lao, chuyện ra- vào điều trị tại bệnh viện gần như cơm bữa. Hôm được điều trị lao kháng thuốc, bà H. bảo mệt lắm, khó ăn, khó ngủ nhưng phải gắng gượng. Bà tâm sự: “Lúc trẻ, còn sức nên không quan tâm đến bệnh. Đến già mới thấy khổ vì điều trị vất vả”.
Tại Bình Định, bệnh lao kháng thuốc vẫn chưa có giải pháp khống chế. Hiện nay, khả năng Bệnh viện có thể điều trị cho 50 bệnh nhân, nhưng phụ thuộc vào thuốc viện trợ từ tổ chức nước ngoài. Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Quân, bệnh nhân lao kháng thuốc còn rất nhiều, nhưng khả năng phát hiện bệnh của tỉnh vẫn còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực có trình độ và thiết bị chuẩn phục vụ nuôi cấy vi khuẩn…
|