Đến đầu năm 2011, Bình Định có 77 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices) trên tổng số 92 nhà thuốc và 1 quầy thuốc bệnh viện, chiếm tỉ lệ 84%. Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định đến cuối năm nay, Bình Định sẽ hoàn thành chuẩn GPP cho tất cả các nhà thuốc.
* Xu hướng tất yếu
Thực hành tốt nhà thuốc GPP là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay của ngành dược. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà thuốc không thành lập nhà thuốc GPP là đánh mất cơ hội vì xu hướng tất yếu kinh doanh dược phẩm phải đạt chuẩn này.
|
Nhà thuốc đạt chuẩn GPP có lợi cho cả bệnh nhân và nhà thuốc, nhưng quan trọng là việc phát triển số lượng phải đi đôi với chất lượng. Ảnh: Văn Lưu |
Chị Minh, chủ một nhà thuốc trên đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, cho biết, cửa hàng thuốc của chị kinh doanh hơn 5 năm nay và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GPP trong năm 2010. Để đạt được tiêu chuẩn này, cửa hàng đã phải sửa chữa nâng cấp, từ lắp đặt hệ thống điều hòa, hút ẩm tới trang bị hệ thống cửa kính chống ồn, chống bụi…với kinh phí trên 50 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Ngọc, chủ một hiệu thuốc khá lớn trên đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, cho rằng bỏ vài chục triệu đồng để nâng cấp cơ sở nhằm đạt tiêu chuẩn GPP không phải là quá lớn, nhưng vấn đề là hiệu quả đạt được sau chứng nhận GPP. Bởi lẽ, phần lớn người bệnh vẫn có thói quen tiện đâu mua đó, không cần đơn thuốc của bác sĩ.
Dược sĩ Châu Văn Sơn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế, cho biết: Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, nên việc kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện đặc thù. Việc thực hiện chuẩn nhà thuốc GPP giúp người bệnh mua thuốc có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, được hưởng các dịch vụ chăm sóc (tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả). Đối với nhà thuốc GPP, được quyền bán thực phẩm chức năng (phải để ở khu vực riêng) không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; được tập huấn và hỗ trợ phần mềm GPP miễn phí để theo dõi quá trình mua, nhập, xuất hàng một cách khoa học, dễ theo dõi, dễ đánh giá lợi nhuận kinh doanh.
* Số lượng phải đi đôi với chất lượng
Nhiều chủ nhà thuốc băn khoăn với thói quen “tự kê đơn” mua thuốc của người dân sẽ không công bằng cho nhà thuốc GPP trong cạnh tranh.
Theo quy định của Bộ Y tế, để đạt được GPP, chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược. Nhân viên nhà thuốc phải mặc blouse trắng, có đeo biển ghi rõ tên, chức danh. Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10m², có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc. Bán thuốc phải theo đơn của bác sĩ, không được tiến hành các hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc tại nơi bán thuốc trái với quy định về thông tin quảng cáo thuốc. |
Ông Sơn cho biết: cái khó hiện nay là thói quen của người tiêu dùng, chưa chấp nhận việc mua thuốc phải có đơn của bác sĩ, cộng thêm tâm lý e ngại rằng, thuốc tại nhà thuốc GPP sẽ đắt hơn. Những khó khăn đó không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được mà đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm lớn. Trong khi đó, để đạt GPP, nhà thuốc phải đầu tư cho cơ sở vật chất tốn kém, như: phòng đủ tiêu chuẩn, cách biệt, có đủ phương tiện bảo quản, lưu trữ thuốc như tủ lạnh, điều hòa… Nhà thuốc phải có diện tích tối thiểu là 10m2 cũng là một khó khăn với người kinh doanh dược, vì giá cả thuê mặt bằng đắt đỏ.
Việc nâng tầm các nhà thuốc đạt chuẩn GPP là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì thế, việc phát triển số lượng các nhà thuốc GPP phải song song với chất lượng. Dược sĩ Châu Văn Sơn khẳng định: Giấy chứng nhận GPP cấp cho nhà thuốc chỉ có giá trị 2 năm. Trong thời gian này, nhà thuốc phải thực hiện đầy đủ các quy định theo GPP. Sau 2 năm, khi Sở Y tế tái thẩm định, nếu nhà thuốc không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì cơ sở sẽ không được tiếp tục cấp Giấy chứng nhận GPP và sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đã cấp.
|