|
Tiến sĩ Dương Quốc Trọng |
Trong chuyến công tác hôm 21.3 tại Bình Định, tiến sĩ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ - nhấn mạnh: chất lượng dân số, sự thay đổi cơ cấu dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh là ba thách thức mà Bình Định phải đối mặt trong công tác DS-KHHGĐ. Tiến sĩ Dương Quốc Trọng đã trao đổi thêm về vấn đề này với phóng viên Báo Bình Định.
* Về tình hình công tác DS-KHHGĐ tại Bình Định, ông ấn tượng nhất điều gì?
Tôi ấn tượng với kết quả giảm sinh của tỉnh trong năm 2010, đặc biệt đối với các chỉ số: tỉ suất sinh thô còn 16,2‰ (giảm 0,5‰ so với năm 2009); tỉ suất sinh là 2,15 con/phụ nữ, giảm 0,7 con/phụ nữ; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn tỉnh là 16,6%, giảm 1% so với năm ngoái. Mức giảm tỉ suất sinh của Bình Định đã vượt rất cao so với mức chung của cả nước là 0,2 con/phụ nữ. Bình Định có 4 xã và 14 thôn nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tôi cho rằng, đây là những chỉ số rất đẹp, kết quả khả quan để Bình Định đạt mức sinh thay thế và tập trung ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng DS. Năm 2010, Bình Định cũng triển khai hàng loạt đề án để nâng cao chất lượng DS, thích ứng với sự thay đổi cơ cấu DS và đặc biệt là làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Sở dĩ đạt được những kết quả này, tôi cho rằng trước hết là nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế khách quan, năm 2010 là năm Canh Dần nên một số người không muốn sinh con.
* Bình Định đang ở trong nhóm tỉnh, thành có mức sinh không quá cao, nhưng cũng chưa đạt đến mức sinh thay thế, hẳn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác DS-KHHGĐ?
Đúng thế! Khó khăn thách thức với Bình Định trong giai đoạn tới, tôi cho là rất lớn. Bình Định phải nhanh chóng đạt mức sinh thay thế và không để quy mô DS vượt quá cao, nhưng cũng không để rơi vào tình trạng lão hóa nhanh. Có thể thấy rất rõ, trong thời gian tới, Bình Định phải tập trung cho 3 vấn đề: nâng cao chất lượng DS, thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu DS, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và ổn định mức sinh.
|
Ấn tượng với mức giảm sinh, nhưng tiến sĩ Dương Quốc Trọng nhấn mạnh khó khăn, thách thức với công tác DS-KHHGĐ của Bình Định trong giai đoạn tới là rất lớn.
|
* Đến hết năm 2010, tỉ số giới tính khi sinh của Bình Định là 117/100 (tương ứng với 117 bé trai/100 bé gái), tăng so với năm 2009 là 109/100. Tiến sĩ có kiến giải gì khi nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của khoa học y học tác động vào vấn đề này?
Nếu nhìn vào chỉ số này, đúng là sự chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh ở Bình Định rất cao. Tuy nhiên, khi đánh giá các số liệu cần thận trọng bởi chỉ số này chỉ có ý nghĩa khi mẫu số điều tra trong cộng đồng phải đạt từ 10.000 dân trở lên. Nếu mẫu số điều tra quá thấp, đơn cử như một xã dưới 10.000 dân, thì phải thận trọng khi đánh giá; nếu không, sẽ dẫn đến sai lầm trong việc đưa ra các giải pháp xử lý.
Đối với Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, tôi cho rằng, có tình trạng nạo phá thai vì giới tính của trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân số một. Trong thời gian tới, Tổng cục chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới tính để người dân nhận thức sâu sắc rằng: “Tôi đẻ hai con trai cũng như hai con gái”. Tất nhiên để làm được điều này thì cần phải có thời gian dài thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, chứ không phải là các chế tài. Vì nếu cứ áp chế tài vào xử lý thì thế nào cũng có tình trạng “lách luật” để sinh.
* Để giải quyết những thách thức trên, theo ông, trong năm nay, công tác DS-KHHGĐ của Bình Định nên tập trung vào những hoạt động nào?
Sự chuyển đổi cơ cấu DS từ “DS trẻ” sang “DS vàng” và hiện nay “già hóa DS” sẽ tạo ra những cơ hội to lớn đi cùng với những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với Bình Định, chỉ số già hóa DS là 41% (toàn quốc có 35,7%), tỉ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên là 10,8% (toàn quốc 9%) là cao. Bình Định nằm trong xu hướng chung của khu vực miền Trung là lượng lớn lao động trẻ xuất cư vào phía Nam làm ăn. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai các đề án thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu DS tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Định.
Bên cạnh việc tập trung giải quyết các khó khăn, thách thức trong thời gian tới, riêng năm nay, Bình Định cần tập trung ưu tiên triển khai các mô hình: giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tránh những hệ lụy nghiêm trọng về thừa nam thiếu nữ; nâng cao chất lượng DS qua các mô hình, đề án triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
* Con người là yếu tố quyết định cho sự thành công, nhưng đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ các tuyến tại Bình Định hiện vẫn chưa ổn định…?
Tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các tuyến từ tỉnh đến huyện đã dần dần hoàn thiện. Ở tuyến xã, UBND tỉnh cũng vừa bổ sung 159 biên chế cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cho ngành Y tế. Hiện nay, không riêng gì Bình Định mà ở phần nhiều tỉnh, thành, năng lực, trình độ của đội ngũ làm DS-KHHGĐ còn bất cập. Nhưng, chúng ta xác định là phải có lộ trình từng bước. Tôi cho rằng Bình Định sẽ làm được.
* Xin cảm ơn ông!
|