Năm 2010, TP Quy Nhơn được tỉnh công nhận là đơn vị dẫn đầu trong công tác DS-KHHGĐ, khi trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt “cú đúp” giảm tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống mức một con số.
|
TP Quy Nhơn đã tổ chức thành công các hoạt động truyền thông kiến thức kỹ năng SKSS cho học sinh tại các trường học.
-Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt chuyên đề SKSS tại Trường THPT Nguyễn Thái Học.
|
Đến cuối năm 2010, tỉ suất sinh của Quy Nhơn là 8,9‰ (giảm 0,5‰ so với năm 2009 và vượt 0,3‰ so với chỉ tiêu của tỉnh giao); tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 8%, giảm 0,5% so với năm 2009. Toàn thành phố có 66 khu vực và thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp cùng Phòng Y tế và Trung tâm Y tế thành phố tổ chức nhiều đợt chiến dịch truyền thông DS lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại 21/21 phường, xã. Nhờ đó, số người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tăng lên đáng kể. Tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 76,8%.
Công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ đã được các trạm y tế phường, xã và các cơ sở y tế tư nhân thực hiện có hiệu quả. Việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ ngày càng tốt hơn. Các cơ sở được phép hành nghề y tế tư nhân đã tham gia thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho người dân.
Đi đôi với việc tuyên truyền vận động thực hiện KHHGĐ để giảm nhanh mức sinh, các hoạt động nâng cao chất lượng DS cũng được triển khai. Trung tâm đã phối hợp với Hội LHPN thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phụ nữ với hiểu biết về SKSS-KHHGĐ”; cùng Hội Nông dân tổ chức tọa đàm “Nam nông dân với hiểu biết và phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục, HIV/AIDS”…
Hiện nay, các hoạt động triển khai đề án mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân, kiểm soát DS các vùng biển đảo và ven biển, sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai bước đầu đã thu lại nhiều kết quả. Các mô hình CLB gia đình không sinh con thứ ba trở lên ở các phường, xã và từng địa bàn khu dân cư được duy trì sinh hoạt, thu hút ngày càng đông các cặp vợ chồng tham gia.
Đặc biệt, TP Quy Nhơn là địa phương đã tổ chức thành công các hoạt động truyền thông kiến thức kỹ năng sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại các trường học. Gần đây nhất, Trung tâm DS-KHHGĐ đã phối hợp cùng Thành đoàn Quy Nhơn tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ với hiểu biết về HIV/AIDS và SKSS vị thành niên” tại các trường THPT. Anh Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách hoạt động truyền thông của Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, phấn khởi: “Tại giao lưu, diễn đàn, các em học sinh đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa thiết thực của việc tăng cường kiến thức chăm sóc SKSS... Hoạt động này nhận được sự đồng tình và ủng hộ nhiệt tình từ các trường học, thầy cô giáo, đặc biệt là các bậc phụ huynh”.
Đạt được những kết quả trên, điều dễ thấy là các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở trong năm qua đã thực sự quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ. Các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ trong năm cũng được làm mới: phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng được nhu cầu về thông tin cho các đối tượng… Đồng thời, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS.
Những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ ở TP Quy Nhơn thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song để đạt tới mục tiêu DS-KHHGĐ cả về quy mô và chất lượng, vẫn còn đó nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Anh Văn, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, phân tích: Quy Nhơn có mật độ DS cao so với các huyện trong tỉnh. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, phân bố lại dân cư phù hợp với tầm vóc của đô thị loại I nên việc chia tách các phường, xã có số lượng dân cư quá lớn đã ảnh hưởng nhiều đến công tác DS-KHHGĐ. Các xã miền núi, hải đảo và các phường ven biển còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ SKSS-KHHGĐ, quan niệm đẻ con trai để nối dõi tông đường và làm nghề. Tỉ suất sinh của thành phố đã giảm nhưng chưa thật sự bền vững. Nhiều xã vẫn còn cao, như: Phước Mỹ (14,6‰), Nhơn Hội (17,8‰)…
|