Thời gian qua, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) và bảo hộ lao động (BHLĐ), khiến số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) ngày càng gia tăng…
Những năm qua, công tác BHLĐ đã được các sở, ngành, địa phương và các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh coi trọng, trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch sản xuất hàng năm.
|
Ngày càng có thêm nhiều DN triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về BHLĐ- PCCN. - Trong ảnh: Phân loại và xử lý rác thải tại phường Nhơn phú, TP Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Vân |
Văn hóa ATVSLĐ ngày càng được mở rộng như một phẩm chất hàng đầu của người sử dụng lao động và của người lao động trong lao động, sản xuất. Nhiều biện pháp, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ đã được áp dụng; nhiều hoạt động BHLĐ đã trở thành phong trào được đông đảo người sử dụng lao động và người lao động hưởng ứng như phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, “Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN”, “Xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên”… Những hoạt động này đã góp phần cải thiện tốt hơn điều kiện lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng chục ngàn lao động.
Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay, người sử dụng lao động ở các DN, cơ sở dần nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo điều kiện làm việc ATVSLĐ cho người lao động, ngày càng có thêm DN triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác BHLĐ, PCCN cũng như tìm mọi biện pháp để cải thiện điều kiện lao động, chăm lo sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, số DN triển khai và thực hiện tốt công tác BHLĐ chưa được nhiều.
Năm 2010, đã có một số DN tổ chức thực hiện tốt công tác BHLĐ được UBND tỉnh khen thưởng như: Công ty TNHH Trường Phát, Công ty TNHH Tân Bình, Công ty TNHH Bình Minh, Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định, Viễn thông Bình Định, Công ty TNHH xây dựng Tân Phương, Công ty cổ phần Lâm nghiệp 19, Công ty TNHH nguyên liệu giấy Quy Nhơn, Công ty cổ phần Cosevco…
Bên cạnh những điển hình thực hiện tốt công tác BHLĐ nêu trên, vẫn còn nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chú trọng chạy theo lợi nhuận mà không triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác BHLĐ hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan thanh, kiểm tra. Công tác huấn luyện về BHLĐ, ATVSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, trong khi các DN mới phát triển nhanh, lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp ngày càng nhiều; trong đó, lao động thời vụ chiếm phần lớn.
|
Trong lĩnh vực xây dựng, công tác BHLĐ cũng như an toàn lao động vẫn chưa được DN quan tâm nên số vụ TNLĐ ngày càng tăng. |
Chính vì thế, tình hình TNLĐ ngày càng gia tăng; số vụ và số người chết do TNLĐ tăng theo hàng năm. Nếu năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 96 vụ TNLĐ, làm 96 người bị nạn; trong đó, có 8 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 8 người thì năm 2010 số vụ TNLĐ là 168 làm 169 người bị nạn, 9 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 10 người. Theo Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, thiếu sót, vi phạm phổ biến của các DN là: không thành lập Hội đồng BHLĐ và phân định trách nhiệm về BHLĐ; không phân công người phụ trách công tác BHLĐ; không xây dựng kế hoạch về ATVSLĐ (hoặc có xây dựng nhưng thiếu nhiều nội dung); chưa xây dựng đầy đủ nội quy ATVSLĐ, quy trình làm việc an toàn, vệ sinh cho từng nghề, công việc, quy trình vận hành an toàn các máy, thiết bị trong DN. Không tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ hoặc chỉ huấn luyện cho số ít người lao động trong DN. Việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đầy đủ. Một số nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động còn thiếu nội dung về BHLĐ hoặc đề cập đến BHLĐ còn chung chung, không cụ thể. Ngoài ra, nhiều DN còn vi phạm các quy định trong việc tổ chức khám sức khỏe, quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động và trang bị phương tiện sơ cấp cứu ban đầu.
|