“Nơi anh về trời xanh không anh? Nơi anh về ngày vui không anh?”… Đã tròn mười năm Trịnh Công Sơn từ giã cõi đời này, mà dường như mười năm qua, trái tim ông vẫn chưa hề ngừng đập trong trái tim của mọi người. Đã có hàng trăm ca khúc của ông thường xuyên được biểu diễn trong những đêm nhạc tổ chức thật hoành tráng. Nhưng dẫu có lộng lẫy, thì nhạc Trịnh cũng lộng lẫy bằng nỗi buồn! Những lúc xót xa, những lúc bẽ bàng, người ta hát lên những ca khúc in hằn dấu vết thân phận của ông, như để tìm lấy sự chở che, tìm lấy sự đỡ nâng. Chính nhạc Trịnh đã tạo nên sức mạnh, một sức mạnh của nỗi buồn.
Giữa những bon chen thế tục, có rất nhiều loại sức mạnh khác nhau. Có sức mạnh của quyền lực, có sức mạnh của đồng tiền, có sức mạnh của sự khôn khéo, lừa lọc… Riêng nhạc Trịnh lại có một sức mạnh vô biên từ nỗi buồn. Bàn chân liêu xiêu của Trịnh Công Sơn đã đi qua khói lửa chiến tranh, đi qua dịu ngọt hòa bình, đi qua sấp ngửa nhân tình… đều chính từ sức mạnh của nỗi buồn. Đó là nỗi buồn trong trẻo và bay bổng. Ông đã gánh vác giùm nhân thế thật nhiều nỗi buồn. Trí thức buồn hư ảo cũng có thể hát nhạc Trịnh, mà nông dân buồn mệt mỏi cũng có thể hát nhạc Trịnh.
Nhiều người thích nghe nhạc Trịnh qua tiếng hát của Khánh Ly hay Hồng Nhung, nhưng tôi cho rằng chính Trịnh Công Sơn mới là người hát ca khúc của mình hay nhất. Giọng ông lúc ngà ngà say nghe thật ám ảnh. Có lẽ bởi tiếng hát lênh đênh kia mang đến hai nỗi buồn, một nỗi buồn đã tượng hình thành bài hát và một nỗi buồn đang chất chứa trong tâm hồn tác giả. Đã có lúc tôi cứ ngỡ “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”, là không phải ông viết cho một nhân vật trữ tình nào mà viết cho chính ông.
Nghe người ta kể, khi Trịnh Công Sơn theo đoàn làm phim “Mùa gió chướng” về Đồng Tháp, ông đã ôm đàn ngồi hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” giữa quán sá miệt vườn. Sau khi ông dứt lời, một người đàn ông tướng tá chắc nịch đứng lên bảo: “Anh Sơn! Em là trưởng trại giam ở đây, anh có người thân nào đang ở trong trại, anh nói em thả liền!”. Đó, sức mạnh của nỗi buồn cũng ghê gớm lắm!
Hay có lần, ông ngồi xích lô dạo phố. Anh xích lô vừa đạp xe vừa nghêu ngao: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Khi xe dừng, Trịnh Công Sơn móc tiền để trả thì anh xích lô vội xua tay: “Em không lấy tiền của anh đâu!”. Ông cứ năn nỉ đòi trả thì anh xích lô đề nghị: “Hay là anh đi uống với em vài xị được không?”. Tất nhiên là Trịnh Công Sơn lập tức nhảy tót lên xích lô! Đó, nỗi buồn đã chắp cánh cho những tâm hồn đồng điệu bay lên, và dường như đã hóa giải mọi khoảng cách xã hội.
Và tôi, một đôi khi buồn vương sương khói, tôi thường tìm đến một góc đời lặng lẽ, ngồi nhẩn nha khúc nhạc Trịnh, lòng bỗng chốc nhẹ nhàng, thoát ra khỏi chốn muộn phiền. Bởi với tôi, nhạc Trịnh luôn mang một nỗi buồn giải thoát, một nỗi buồn tiềm ẩn một sức mạnh thăng hoa…
|