Mặc dù “cao điểm Tết” đã qua khá lâu, nhưng hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến đường Quy Nhơn – Hoài Nhơn vẫn “nóng” từng ngày. Trên tuyến đường huyết mạch của tỉnh này, hành khách phải chấp nhận đi trên những chiếc xe nhồi nhét gấp đôi số lượng khách cho phép. Không những thế, hành khách nhiều khi còn “rớt tim ra ngoài” bởi những pha lạng lách của các tài xế…
|
Xe khách chạy tuyến nội tỉnh đang chờ xuất bến ở Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn.
|
* Đủ kiểu “hành” khách
Chiều 28.2, tôi bắt xe từ Quy Nhơn về thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Xe đi hết địa phận huyện Tuy Phước thì 16 chỗ ngồi trên xe đã đầy hành khách. Thế nhưng, phụ xe vẫn không ngừng bắt thêm khách. Băng ghế bình thường chỉ dành cho 4 người, nhưng có đến 6 người ngồi. Trên hàng ghế đầu, ngoài tài xế còn có đến 3 hành khách. Đến thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), phụ xe mở cửa sau, nhét vào đấy thêm 3 khách nữa. Xe có 16 chỗ ngồi, nhưng chứa đến gần 30 người. Phụ xe phải leo lên ngồi chung ghế với tài xế!
Ngày 13.3, tôi đón xe đi từ ngã ba Chợ Gồm (Phù Cát) về Tam Quan. Chiếc xe Ford 16 chỗ ngồi để bảng nơi đến là Tam Quan. Trước khi lên xe, tôi đã cảnh giác hỏi đi hỏi lại: “Xe có về đến Tam Quan không?”; người nữ phụ xe khẳng định: “Xe này chạy đến tận ngã tư Tam Quan”.
Xe chạy đến thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) thì dừng trước cổng Trường THPT Phù Mỹ 1, đón 12 học sinh. Vì xe đã kín chỗ, nên các em phải chen nhau đứng. Một em cho biết, các em từ Mỹ Lộc, Mỹ Châu, thị trấn Bình Dương… vào đây học bồi dưỡng học sinh giỏi; bình thường có xe buýt thì đỡ, nhưng nay không còn xe buýt, nên đành chịu cảnh chen chúc trên xe khách.
Đến thị trấn Bồng Sơn, xe dừng lại, phụ xe bảo hành khách sang một xe khác. Gần chục hành khách trên xe rất tức giận nhưng không thể làm gì được. Lúc này tôi mới biết, xe tôi vừa đi không phải về bến Tam Quan; chủ xe ở Phù Mỹ, “tranh thủ” chạy thêm kiếm tiền. Điều đáng nói là thời gian gần đây, số lượng xe lừa khách theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi từng vừa làm hành khách, vừa chỉ đường đi ở thị trấn Bồng Sơn cho một tài xế xe để bảng Tam Quan!
Bên cạnh “nhồi nhét”, việc các xe phóng nhanh vượt ẩu cũng là nỗi ám ảnh thường trực của người đi đường. Đặc biệt là vào các buổi chiều, hành khách đi từ Hoài Nhơn vào Quy Nhơn trên các xe khách liên tỉnh từ Đà Nẵng vào rất ngán cảnh tài xế vừa lái xe vừa liên tục gọi điện cho các lái xe khác để tính toán thời điểm vượt mặt xe khác để tranh giành khách tại các ngã ba, ngã tư.
Theo quan sát của chúng tôi, thời gian gần đây, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông có chiều hướng chùng xuống. Nhiều xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, chở quá số người quy định nhưng không thấy bị xử phạt.
|
Xe hết chỗ ngồi, phụ xe ngồi chung với… tài xế. (ảnh chụp từ ĐTDĐ)
|
* Bài toán nan giải
Tuyến xe buýt Quy Nhơn - Hoài Nhơn đi vào hoạt động từ ngày 22.9.2007 đã góp phần quan trọng đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân phía Bắc tỉnh. Theo ông Bùi Duy Nghi, Trưởng phòng Kế hoạch (Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn), sau khi tuyến xe buýt Quy Nhơn - Hoài Nhơn đi vào hoạt động, hoạt động của xe khách cùng tuyến trầm lắng thấy rõ. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch, trong tháng 8.2007, có 2.053 chuyến xe khách xuất bến Quy Nhơn đi các huyện phía Bắc (Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão). Tháng 11.2007, con số này chỉ còn 1.009 chuyến. Thời gian sau đó, con số này chỉ dao động trong khoảng 1.100 - 1.300 chuyến.
Trong khi đó, ông Phan Chánh, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, cho rằng, tuy số chuyến giảm nhiều, nhưng lượng xe khách nội tỉnh so với trước khi có xe buýt giảm không đáng kể. Năm 2007, Hợp tác xã Vận tải Hoài Nhơn có 61 xe đăng ký chạy tuyến Quy Nhơn - Hoài Nhơn; năm 2009 còn 58 xe, đến đầu năm 2011 còn 40 xe. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, chỉ có khoảng 70% số xe đăng ký hoạt động. Bên cạnh số xe chuyển tuyến hay dừng hoạt động, rất nhiều nhà xe đã nâng cấp xe từ loại Toyota 15 chỗ lên xe Ford 16 chỗ để cạnh tranh, thu hút khách.
|
Các em học sinh đứng chen chúc trên xe. (ảnh chụp từ ĐTDĐ)
|
Đến thời điểm 15.2.2011, xe buýt tuyến Quy Nhơn - Hoài Nhơn chính thức dừng hoạt động, gây “khủng hoảng” cho hoạt động vận tải hành khách trên tuyến đường này. Tháng 11.2010, xe khách về Hoài Nhơn mỗi ngày có 22 chuyến, đến nay có ngày đạt 35 chuyến. Xe chạy tuyến ngoại tỉnh như Quy Nhơn - Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Đà Nẵng cũng tăng cường hoạt động, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Hiện tượng mất cân bằng “cung - cầu” thể hiện rõ nhất là vào thời điểm cuối tuần, khi công chức, học sinh, sinh viên… được nghỉ. Lượng hành khách tăng gấp đôi ngày thường; trong khi số chuyến xe lại không tăng, nên hiện tượng nhồi nhét khách diễn ra khá phổ biến. Vì có quá ít sự lựa chọn, nên hành khách cũng chấp nhận đi trên những chiếc xe này, cũng không lớn tiếng kêu ca khi nhà xe nâng giá. “Một thực tế dễ thấy là các xe nội tỉnh chủ yếu nằm ở các huyện, đi theo chiều “sáng vào chiều ra”. Chiều chủ nhật, xe chạy từ Quy Nhơn ra là chính, không đáp ứng được nhu cầu của khách đi ngược vào. Lượng xe ngoại tỉnh dù đã có tăng cường vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu này”- ông Phan Chánh phân tích.
Để giải được bài toán mất cân bằng “cung - cầu” này không phải là chuyện dễ. Tuyến xe buýt Quy Nhơn - Hoài Nhơn đã chính thức dừng hoạt động, một số xe buýt cũng đã được rao bán. Trong khi đó, vẫn chưa có đơn vị vận tải mới nào vào cuộc khai thác trên tuyến đường này, một phần cũng vì tính chất mất đồng đều về nhu cầu đi lại giữa 2 ngày cuối tuần và thời gian còn lại trong tuần. Đã có ý kiến đề xuất, vào thời điểm cuối tuần nên tăng cường một số xe buýt từ các tuyến khác để phục vụ hành khách trên tuyến đường Quy Nhơn - Hoài Nhơn…
Trong khi đợi các giải pháp hữu hiệu của ngành vận tải, thiết nghĩ, lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách…
|