Thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ là các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sinh học, Địa lý, Vật lý. Tuy đã chuẩn bị tâm thế ôn thi ngay từ đầu năm học, nhưng ngay sau khi nghe Bộ GD-ĐT công bố các môn thi, không ít giáo viên (GV) và học sinh (HS) đã thở phào nhẹ nhõm. Bắt đầu từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, sẽ là thời điểm “vào guồng”của HS, khi mà các trường vừa phải dạy đủ chương trình vừa tăng tiết ôn tập các môn thi…
|
Từ nay đến cuối tháng 5 là thời điểm “vào guồng” của học sinh lớp 12; vừa học chương trình ở trường, vừa học ôn thi tốt nghiệp lẫn đại học.
- Trong ảnh: HS lớp 12 Trường THPT iSCHOOL đang “trả bài” tại chỗ.
|
* Nhẹ nhõm với môn Địa lý
“Ngay từ đầu năm học, ngoài các chương trình chính khóa, chúng tôi đã tổ chức vừa học vừa ôn tập cho HS 6 môn Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tiếng Anh một tuần 3 buổi, mỗi buổi 4 tiết. Bộ GD-ĐT công bố thi 6 môn, thì chúng tôi đã ôn được 5 môn rồi, giờ chỉ thay môn Hóa bằng môn Địa lý. Nhìn chung, tâm lý HS không hoang mang như năm ngoái khi cùng một lúc thi 2 môn Sử, Địa, mà trái lại, sợ các em có ý chủ quan. Trường đã chỉ đạo cho các GV bộ môn có kế hoạch ôn tập dần cho HS, bồi dưỡng thêm cho HS yếu…”- bà Từ Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học, cho biết.
Nhận xét về 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Võ Ngọc Sĩ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Giữ (Hoài Ân), nói: “Môn Địa lý, HS dễ kiếm điểm hơn vì chỉ riêng phần vẽ biểu đồ, Atlas, các em có thể dễ dàng kiếm được từ 2 đến 3 điểm. Với đặc điểm là trường có chất lượng “đầu vào” thấp nhất tỉnh, lại chung hai hệ A, B; trong đó, khoảng 40% HS xếp loại học lực từ trung bình yếu trở xuống, trường phải nỗ lực nhiều mới mong đạt được tỉ lệ HS tốt nghiệp ngang với mặt bằng chung của tỉnh”.
Nhiều HS cũng cho biết, khi nghe công bố 6 môn thi, đa phần các bạn đều thở phào vì dù sao môn Địa cũng dễ học, dễ lấy điểm hơn môn Lịch sử hoặc Hóa học. Em Phạm Thị Duyên, HS lớp 12S2, Trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Các bạn khác cũng như em, đều chủ yếu tập trung cho 3 môn thi đại học nên bây giờ mới chuẩn bị học các môn thi tốt nghiệp. Thi môn Địa lý gần gũi với thực tế và không phải ghi nhớ các sự kiện một cách chính xác như môn Lịch sử nên dễ học hơn…”.
|
Trường THPT Quy Nhơn thường xuyên cho HS thi thử 6 môn thi tốt nghiệp.
|
* Bắt đầu vào guồng
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, ngày 25.3, Sở GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường THPT tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS lớp 12 trên tinh thần không được cắt xén chương trình theo quy định và phải hoàn thành đúng chương trình theo kế hoạch của Sở GD-ĐT; chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT và hướng dẫn HS vận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp, có biện pháp bồi dưỡng cho HS yếu kém…
Nhìn chung, để đảm bảo dạy đủ chương trình song song với ôn tập 6 môn thi tốt nghiệp nên hầu hết các trường đều tăng tiết, cho HS học thêm buổi chiều từ 3-5 buổi, tùy theo từng trường. Ông Sĩ cho biết: “HS trường chúng tôi yếu các môn Tiếng Anh, Vật lý và Toán. Môn Tiếng Anh, Vật lý trước thi trắc nghiệm nên chúng tôi luyện cho HS làm các dạng bài tập là ổn; lo nhất là môn Toán thi theo hình thức tự luận sẽ khó khăn hơn cho các em, dù rằng trường đã chủ động ôn tập dần cho HS ngay từ đầu năm. Sau 20.4, chúng tôi sẽ tổ chức thi thử, phân loại kết quả để có hướng ôn tập phù hợp; đồng thời, tổ chức họp phụ huynh để nhà trường và gia đình có sự phối hợp nhịp nhàng…”.
Đối với HS, đây là thời điểm “vào guồng” căng thẳng khi mà sáng, chiều đều phải học ở trường, tối còn phải học thêm các môn thi đại học và làm bài tập cho ngày hôm sau lên lớp.
|