Khi dông, loài bò sát sống trên những bãi cát trở thành món đặc sản trong các nhà hàng và đang dần cạn kiệt do bị săn bắt thì nghề nuôi dông phát triển. Từ Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi có những động cát bao la là điều kiện sống lý tưởng cho dông, cho đến Phú Yên, và bây giờ là Bình Định, nghề nuôi dông đang được nhiều người hưởng ứng.
* Dễ nuôi, bán nhiều tiền
Ông Trịnh Văn Tốt ở khu vực 2, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) có lẽ là một trong số những người nuôi dông sớm nhất ở Quy Nhơn. Cách đây hơn 3 năm, ông Tốt tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi dông và quyết định đầu tư vào mô hình này. Để có thể nuôi được dông trên nền đất thịt, ông Tốt xây tường gạch quây xung quanh chuồng và đổ cát biển vào. Sau 3 năm nuôi, ông Tốt mới xuất bán một lần hơn 10kg dông thịt, còn thì ông giữ lại với ý định nhân giống để dành, nhằm mở rộng diện tích chuồng. Tại Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp - nông thôn miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 8.2010, mặt hàng dông thịt của ông Tốt đã được giới thiệu tại gian hàng của Hội Nông dân TP Quy Nhơn.
|
Ông Nguyễn Quang Ba bên chuồng nuôi dông của mình. |
Ông Tốt cho biết: “Dông là loài dễ nuôi và không bị dịch bệnh, thức ăn lại đơn giản, dễ tìm, chi phí đầu tư không cao mà giá trị kinh tế lại lớn”. Chỉ vào chuồng dông, ông Tốt cho biết, thức ăn của dông là các loại rau quả như cải, rau muống, bắp cải, bí đỏ... Mỗi ngày ông tốn chưa tới 10.000 đồng tiền thức ăn cho chuồng dông mà vốn mua giống ban đầu tới 8 triệu đồng! Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là từ tháng 8 âm lịch năm ngoái cho đến nay, ông Tốt vẫn chưa cho dông ăn trở lại, bởi trời mưa dông ở luôn trong hang. Nghĩa là mỗi năm người nuôi dông chỉ cần tốn tiền thức ăn cho dông trong 6 tháng nắng mà thôi. Để tồn tại trong thời gian này, con dông ăn dần đuôi của mình, vì thế, sau mùa mưa, người nuôi dông phải “dưỡng” chúng trước khi xuất chuồng.
Sau ông Tốt, vài người trong phường Ghềnh Ráng cũng nuôi dông. Mới đây nhất là ông Nguyễn Quang Ba, ở khu vực 3. Ông là một trong hai hộ được Hội Nông dân TP Quy Nhơn hỗ trợ một phần chi phí con giống và thức ăn để làm mô hình nhằm nhân rộng sau này. Trên diện tích 200m2 trong trang trại ở lưng chừng đèo Quy Hòa, ông Ba thả nuôi 600 con dông giống và đến nay dông đã đẻ một lứa.
Với người dân xã Nhơn Lý, việc nuôi dông dễ dàng hơn rất nhiều. Người nuôi dông ở đây chẳng cần phải đi mua cát, vì xung quanh đâu cũng là cát, chỉ cần đào rãnh sâu 1,2m, dựng bạt làm thành để ngăn dông chui ra, phía trên xây tường gạch, vậy là có chuồng nuôi dông.
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Ngư dân xã, người đi tiên phong trong phong trào nuôi dông ở Nhơn Lý nói về lý do đưa vật nuôi mới này về địa phương mình: “Biển Nhơn Lý là bãi ngang nên không nuôi trồng thủy sản được, còn việc đánh bắt thì ngày càng khó khăn. Chỉ còn cách là tận dụng tiềm năng đất cát quê mình để làm kinh tế”. Từ đó, Hội đã tổ chức một chuyến tham quan học tập nghề ở các trại nuôi dông ở Sông Cầu, Phú Yên cho một số hội viên.
Và bây giờ, Nhơn Lý có 4 hộ đầu tư nuôi dông, trong đó hộ anh Nguyễn Xuân Thạnh (thôn Lý Lương, con trai ông Thọ) nuôi đầu tiên, đang chờ nắng lên để xuất bán lứa dông đầu tiên. Anh Thạnh nhẩm tính: “Đợt này, tôi có thể bán được 60 - 70 kg dông thịt cho thương lái ở Phú Yên. Với giá dông thịt hiện nay chừng 400 ngàn đồng/kg thì có thể thu được khoảng 25 triệu đồng. So với chi phí đầu tư con giống và chuồng trại ban đầu 11 triệu đồng, nuôi chưa đầy một năm thì như vậy là đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Ở thôn Lý Hưng, anh Nguyễn Kim Tài thuê đất rộng 1.000m2 để xây chuồng dông, đang chờ nắng lên sẽ thả giống. Trước đó, hai hộ khác là Đặng Tiên Hoàng và Hà Thanh Bình cũng đã làm chuồng nuôi dông vài trăm m2, có người mua giống từ Phú Yên, người mua từ Ninh Thuận. Riêng ông Hoàng đã rao bán dông giống.
* Cần có định hướng
Những người nuôi dông ở Quy Nhơn chủ yếu học hỏi kinh nghiệm và cách làm từ những trại nuôi dông ở Phú Yên và cũng là nơi cung cấp giống. Nếu ai đó bắt gặp những khu đất được quây bốn bên bằng tường gạch cao chừng 1,2 - 1,5m, nhìn vào bên trong chỉ thấy toàn cát vàng, phía trên mặt trong tường lát viền gạch men (để tạo độ trơn), trên tường và phía trên được giăng lưới thì đích thị đó là chuồng nuôi dông.
Theo những người nuôi, dông đẻ mỗi năm hai lứa, mỗi lứa từ 5 - 7 trứng, tỉ lệ sống sót gần 100% và hầu như không bị dịch bệnh. Công chăm sóc dông cũng không nhiều, mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần. Mỗi năm người nuôi dông có thể xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa có sản lượng gấp 2 - 3 lần lượng giống ban đầu. Với giá thị trường hiện nay là 400 - 450 ngàn đồng/kg (dông giống và đông thịt), thì người nuôi dông hoàn toàn có thể đặt nhiều hy vọng vào loài vật nuôi mới mẻ này.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi dông vẫn còn rất mơ hồ về đầu ra của sản phẩm. Nơi bán giống ở Phú Yên cũng là nơi bao tiêu sản phẩm, nhưng sản phẩm được tiêu thụ ở đâu thì nhiều người không rõ, chỉ biết là hiện tại thị trường đang rất hút mặt hàng này. Điều này có thể dẫn tới, nếu việc nuôi dông không được định hướng mà phát triển ồ ạt thì liệu có xảy ra tình trạng hàng “dội chợ”, rớt giá? Mặt khác, liệu có tình trạng dịch bệnh phát sinh hay không? Những câu hỏi này đặt ra vấn đề, người nuôi dông cần tìm hiểu kỹ và cần được cung cấp những thông tin cụ thể để biết và có định hướng cho công việc của mình
|