Đầu tháng 3, khi giá điện mới chính thức được áp dụng, tăng 165 đồng/kWh so với giá bình quân năm 2010, thì việc tiết kiệm điện được nhiều người nghĩ tới với những hành động thiết thực hơn. Đặc biệt, ở thành phố, khi không thể cắt giảm nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, nhiều người đã có các phương án tiết kiệm điện hiệu quả.
Sau khi tham khảo các phương án nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ trong sinh hoạt gia đình, anh Minh Văn (KV5, phường Ngô Mây) quyết định mua một loạt bóng đèn tiết kiệm điện loại 3U, công suất 18W về bắt cho các phòng trong nhà. Từ đó đến nay, buổi tối, nhà anh chỉ bật bóng đèn tiết kiệm điện, thay cho bóng tuýp như trước. Anh tính toán: “Dùng bóng điện loại này sẽ tiết kiệm hơn một nửa lượng điện tiêu thụ so với bóng tuýp 1,2m. Dù độ sáng không bằng, giá thì cũng hơn gấp đôi bóng tuýp nhưng bóng này rất bền, có thể dùng được 4 năm, và như thế so ra vẫn lợi rất nhiều”. Ngay cả bóng đèn ngủ công suất 15W cũng được anh thay bằng bóng tiết kiệm điện công suất chỉ 0,5W mà độ sáng vẫn đảm bảo.
Với những bà nội trợ, người trực tiếp quán xuyến việc gia đình, có lẽ sẽ càng phát hoảng khi nghĩ đến khoản tiền điện phải trả thêm hàng tháng. Vì thế, các giải pháp nhằm giảm sự hao phí điện năng không cần thiết cũng được một số người áp dụng. Bà Vân (phường Trần Phú) cho biết, bà áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện theo báo hướng dẫn, như: nấu cơm chín thì rút điện, không để chế độ hâm nóng cho đến khi ăn. Buổi tối, nếu trước kia bà cứ cắm điện để chế độ hâm cho cơm khỏi thiu thì nay bà dỡ cơm ra ngoài, để nơi thoáng khí. Nếu phải nấu bằng nồi áp suất, bà cũng chỉnh thời gian nấu ít hơn bình thường rồi tận dụng thời gian nồi còn nóng sau khi nấu xong để thức ăn nhừ... Cũng có hộ mua các loại thiết bị điện gia dụng công suất cao để giảm thời gian dùng điện vì tính toán kỹ vẫn lợi hơn dùng loại công suất thấp nhưng thời gian nấu kéo dài. Nhiều cửa hàng, quán xá cũng đã đổi bảng hiệu đèn neon sang bảng hiệu đèn led nhằm tiết kiệm điện mà lại tăng hiệu quả quảng bá.
Nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi và tiến hành tiết kiệm năng lượng khoảng vài chục năm nay, trong khi đó, Việt Nam chỉ mới thực hiện được 4-5 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia trong ngành điện, vì còn quá mới mẻ nên việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đòi hỏi phải có quá trình đi từ ý thức đến hành động.
Mới đây nhất, vào ngày 26.3, liên quan đến vấn đề này là lời kêu gọi hưởng ứng sự kiện “Giờ trái đất” - tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu - với mục đích nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngăn chặn và giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu trái đất. Vào ngày này, có một số doanh nghiệp và hộ gia đình người dân trong tỉnh đã thực hiện việc tắt đèn trong một giờ đồng hồ. Và tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong vòng một tiếng thực hiện “Giờ trái đất” năm 2011, lượng điện năng mà cả nước tiết kiệm được là 400.000 kWh, tương đương với khoảng 500 triệu đồng.
Việc vận động mọi người tiết kiệm điện và hành động nhằm sử dụng điện năng hiệu quả, vì thế, cần được thực hiện thường xuyên chứ không chỉ rộ lên khi Chính phủ tăng giá điện và khi hưởng ứng “Giờ trái đất”.
|