CẤP TIỀN HỖ TRỢ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ:
Còn nhiều bất cập
22:31', 2/4/ 2011 (GMT+7)

Trợ giúp học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo trong học tập là một chính sách lớn của Nhà nước ta trong những năm qua. Ngoài chính sách cho vay để hỗ trợ học tập, thì việc hỗ trợ học phí cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 49/2010/NĐ-CP ra đời, việc hỗ trợ miễn, giảm học phí đã xuất hiện nhiều bất cập.

 

Việc cấp bù học phí đúng thời hạn sẽ giúp HSSV yên tâm học tập.

- Trong ảnh: SV Trường CĐ Nghề Quy Nhơn trong giờ thực hành.

 

* Đau đầu vì học phí

Đến Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), tình cờ tôi được nghe hoàn cảnh khó khăn của Phan Văn Trình, SV lớp K5C69A, Trường ĐH Quang Trung (Quy Nhơn). Gia đình của Trình thuộc diện hộ nghèo “thâm niên” ở xã Phước Sơn. Nhà chỉ có một mẹ một con, nhưng do người mẹ thường xuyên đau yếu, không làm việc nặng được nên con đường dẫn đến giảng đường đại học của Trình gặp vô vàn khó khăn. Nếu không có sự đùm bọc của bà con lối xóm, chắc hẳn Trình đã bỏ cuộc giữa chừng. 

“Vào thành phố học ĐH, em được người quen cho ở nhờ, không phải mất tiền. Chuyện ăn ở em có thể tự xoay xở được, chứ còn học phí thì…”- Trình bỏ dở câu nói. Học phí cho cả năm học ở Trường ĐH Quang Trung của Trình là 5,5 triệu đồng. Trình phải đi xin, đi mượn họ hàng, bà con và những người hàng xóm tốt bụng. “Em đã làm hồ sơ xin cấp bù học phí nộp ở xã Phước Sơn, nhưng vẫn chưa biết khi nào được cấp tiền. Năm đầu còn đi xin, đi mượn được, chứ năm thứ hai mà chưa có tiền thì không biết xoay đâu ra học phí”- Trình lo lắng.

Ngoài ra, tôi được biết một hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn liên quan đến việc phải thu xếp học phí cho con, đó là trường hợp gia đình anh Nguyễn Ngọc Hoàng, thôn Háo Lễ (xã Phước Hưng, Tuy Phước). Anh Hoàng hiện là nhân viên quản lý thư viện của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước. Anh có 3 con: Nguyễn Thanh Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Diện, Nguyễn Thị Duyên. Năm ngoái, khi chưa học hết năm thứ hai ngành Tổng hợp Anh, Trường ĐH Quy Nhơn, Nguyễn Thanh Hồng phải bỏ học vì căn bệnh thận mãn, đang điều trị tại BVĐK tỉnh. Trong khi đó, 2 chị em Nguyễn Thị Ngọc Diện, Nguyễn Thị Duyên cũng đang đi học. Diện đang là SV khoa Kế toán, Trường cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng; Duyên đang học năm thứ nhất khoa Tài chính ngân hàng và Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn. Học phí mỗi học kỳ cho 2 chị em là 3,3 triệu đồng. “Gia đình tôi vừa phải lo chi phí chữa bệnh, vừa phải lo học phí cho các con nên rất khó khăn. Mặc dù là hộ nghèo, nhưng do Phước Hưng không phải xã bãi ngang, nên các con tôi đều không được hưởng ưu đãi về học phí. Thương các con quyết chí học hành, nhưng tôi cũng không biết mình trụ được đến lúc nào”- anh Hoàng chia sẻ.

 

SV Phan Văn Trình và mẹ rất lo lắng vì chưa biết khi nào mới được cấp bù học phí.

 

* “Vướng đến đâu, giải quyết đến đó”

Ngày 14.5.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Quá trình thực hiện nghị định này trong thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, nhất là về vấn đề kinh phí và thủ tục cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập.

Theo quy định, phòng LĐ-TB&XH cấp huyện có trách nhiệm lập danh sách tổng hợp số lượng đối tượng được miễn, giảm học phí, thẩm định và xây dựng dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để làm căn cứ phân bổ kinh phí. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng bởi nhiều lý do.

Ông Nguyễn Tường Vân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Nghị định 49 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2010, đến 15.11.2010 mới có Thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, dự toán ngân sách năm 2011 của huyện đã được lập từ tháng 10.2010. Mọi sự điều chỉnh trong dự toán đều phải thông qua tại các cuộc họp HĐND”.

Mặt khác, việc thống kê số lượng và thẩm định đối tượng được thụ hưởng chính sách cấp bù học phí cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong số các đối tượng đó là HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Tuy nhiên, để xác định đòi hỏi phải có cuộc điều tra thu nhập quy mô, mà điều này thì không thể tiến hành trong ngày một ngày hai. 

Một vướng mắc khác là đối tượng thụ hưởng cũng chưa nắm được nội dung Nghị định 49 và thông tư hướng dẫn về thủ tục cấp bù học phí. Ông Lê Trường Sơn, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, cho biết: “Khi nộp hồ sơ, đa số các em chỉ mang mỗi đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí có xác nhận của cơ sở đào tạo, trong khi thủ tục yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác nữa. Chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể, rồi cho các em nộp hồ sơ tại xã để tiện việc đi lại. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ cũng không nắm vững đối tượng được cấp bù học phí, nên cứ xác nhận tràn lan, khiến chúng tôi phải mất thời gian giải thích”.

Một điểm đáng chú ý là, đối tượng được cấp bù học phí theo Nghị định 49 không có HSSV gia đình hộ nghèo ở các xã không thuộc diện bãi ngang, hải đảo, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Chính vì thế, quá trình làm thủ tục cấp bù, ngành LĐ-TB&XH cũng nhận được rất nhiều ý kiến của nhiều gia đình nghèo gặp khó khăn trong việc nuôi con em đi học ĐH, CĐ.

Lâu nay, việc miễn, giảm học phí được thực hiện ngay tại cơ sở đào tạo, sau đó kinh phí cấp bù sẽ rót thẳng xuống cho các trường. Về mặt thủ tục, cách làm này sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc cấp bù tại địa phương như hiện nay. Do Nghị định 49 mới được ban hành, công tác tuyên truyền cũng chưa được chú ý đúng mức, nên các cán bộ ngành LĐ-TB&XH chủ yếu phải làm việc theo phương châm “Vướng đến đâu, giải quyết đến đó”. Ngoài linh động trong cách xử lý tình huống, các phòng LĐ-TB&XH còn yêu cầu các xã kịp thời thông tin, hướng dẫn cho HSSV quy định về thủ tục xin cấp bù học phí, khẩn trương tổng hợp danh sách để báo cáo cấp trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là học kỳ II năm học 2010-2011 kết thúc, nhưng công tác cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho HSSV vẫn còn khá ngổn ngang. Công tác tổng hợp hồ sơ vẫn chưa hoàn thành, nên các địa phương không thể dự trù kinh phí để cân đối ngân sách. Học phí học kỳ I vẫn chưa được cấp bù cho HSSV.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Bình Định  (02/04/2011)
Lập đội Robocon dự thi “Ngày hội Robocon Việt Nam 2011”  (02/04/2011)
Xây dựng công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai  (02/04/2011)
Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở  (02/04/2011)
Xây dựng môi trường làm việc an toàn   (01/04/2011)
Nhiều doanh nghiệp vi phạm   (01/04/2011)
Công bố danh sách các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh   (01/04/2011)
Đảm bảo bầu cử Quốc hội dân chủ, đúng pháp luật  (01/04/2011)
Triển khai Tháng hành động vì chất lượng VSATTP   (01/04/2011)
Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng  (01/04/2011)
Cần cộng đồng chung tay, chung sức  (31/03/2011)
Tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII  (31/03/2011)
2.080 học sinh thi học sinh giỏi lớp 5  (31/03/2011)
Lấy ý kiến nhận xét cử tri nơi cư trú cho ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy  (31/03/2011)
Tặng quà cho học sinh nghèo ở Vĩnh Thạnh  (31/03/2011)