Qua 5 năm (2006-2010) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
1. Về phát triển kinh tế:
- Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 10,9%, cao hơn 2% so với giai đoạn 2001 - 2005; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 7,2%, công nghiệp và xây dựng 15,4%, dịch vụ 11,6%. GDP bình quân đầu người 940 USD. Cơ cấu kinh tế (năm 2010): nông, lâm, ngư nghiệp 35,7%; công nghiệp - xây dựng 27,2%; dịch vụ 37,1% (năm 2005, tỉ trọng tương ứng là 38,4% - 26,7% - 34,9%). Cơ cấu lao động xã hội có bước chuyển dịch theo hướng giảm dần trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và tăng trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ.
LTS: Bắt đầu từ hôm nay, trên trang Xây dựng Đảng - Chính quyền (ra vào thứ Năm hàng tuần và thứ Hai cách tuần), Báo Bình Định mở chuyên mục Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh, nhằm cung cấp đến bạn đọc những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. |
- Sản xuất công nghiệp có bước phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 16%. Đối với Khu kinh tế Nhơn Hội, đã đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 7,5%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (năm 2010) chiếm tỉ trọng khá cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp (40,3%). Các hoạt động thương mại, dịch vụ, và liên kết hợp tác kinh tế tiếp tục phát triển. Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ tăng bình quân hàng năm 11,6%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 1,7/1,5 tỉ USD. Thu ngân sách bình quân tăng 21,6%/năm.
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Tổng vốn đầu tư huy động trong 5 năm trên 37.800 tỉ đồng, chiếm 40,3% GDP, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả (cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, hồ Định Bình, đường Xuân Diệu, đường DT 639, đường Gò Găng - Cát Tiến...).
- Các thành phần kinh tế có bước phát triển mới. Toàn tỉnh có 3.859 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn 18.500 tỉ đồng. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi phương thức hoạt động, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của xã viên tăng, có 128/284 hợp tác xã khá, giỏi. Không gian đô thị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Ở đồng bằng, đã hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh cây lương thực, cây công nghiệp; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Một số cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các cơ sở dịch vụ, thương mại được xây dựng, khôi phục, phát triển, đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bằng nhiều nguồn vốn đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng miền núi và trung du, như: điện, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... Các tuyến giao thông ven biển, hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, kết cấu hạ tầng nghề cá và nuôi trồng thủy sản được đầu tư xây dựng khá đồng bộ; tiềm năng kinh tế biển và vùng ven biển được khai thác ngày càng hiệu quả.
(còn nữa) |