Hang năm, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chuyên môn đều tiến hành các hoạt động khám, phân loại cho trẻ em bị khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh; nhằm có biện pháp chữa trị kịp thời, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, công tác tập trung trẻ em khuyết tật về các địa điểm khám, phân loại còn gặp nhiều khó khăn…
|
Khám, phân loại trẻ em khuyết tật tại Hoài Nhơn, tháng 2.2011. Ảnh: Bảo Sương
|
Hiện tại, cả huyện Hoài Nhơn có hơn 220 trẻ em bị khuyết tật. Trung bình mỗi năm, huyện có hơn 20 em được phẫu thuật chỉnh hình và điều trị tái hòa nhập cộng đồng. Như vậy, nhiều trẻ em tự ti vì bị sứt môi hở hàm ếch nên không chịu đến trường, sau khi được phẫu thuật đã đi học lại. Anh Bùi Duy Diệu, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, cho biết: Qua 2 đợt khám, sàng lọc đầu năm 2011, 26 trẻ em khuyết tật cơ quan vận động và 17 trẻ em khuyết tật, dị tật vùng mặt ở Hoài Nhơn sẽ được phẫu thuật, cung cấp dụng cụ chỉnh hình trong tháng 4.2011.
Tuy là huyện làm tốt việc tập trung, đưa trẻ đi khám, phân loại khuyết tật, nhưng trên thực tế, công tác này ở Hòai Nhơn vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại. Vì cán bộ phụ trách công tác BVCSTE ở tuyến xã chỉ làm việc bán chuyên trách nên chưa theo dõi sâu sát số trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ này cũng ít ổn định, như xã Hoài Thanh Tây, từ tháng 8.2008 đến nay, đã 3 lần thay người đảm nhận công tác BVCSTE.
Trong khi đó, ở cấp huyện, mỗi phòng LĐ-TB&XH cũng chỉ có 1 người phụ trách công tác BVCSTE. Khi nhận được danh sách trẻ khuyết tật từ xã đưa lên, cán bộ huyện chỉ kiểm tra, đối chiếu với danh sách cũ, yêu cầu cấp dưới bổ sung các trường hợp trong diện tái khám còn sót.
Với các huyện miền núi, tình hình còn “căng” hơn. Chị Lê Thị Hương, cán bộ phụ trách BVCSTE của Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, chia sẻ: “Khi có yêu cầu từ cấp trên, phòng LĐ-TB&XH huyện gửi thông báo xuống các xã, yêu cầu lập danh sách trẻ khuyết tật để chuẩn bị khám, phân loại. Tuy nhiên, số xã có danh sách gửi lên rất ít. Đợt khám phân loại đầu năm 2011 cho trẻ bị khuyết tật cơ quan vận động, cả huyện chỉ có 4 em được khám. Ở An Lão, rất nhiều xã “khuyết” cán bộ phụ trách mảng BVCSTE”.
Thực tế cho thấy, những khó khăn trong công tác chăm sóc cho trẻ em khuyết tật không chỉ do đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu. Chị Đoàn Thị Tuyết Mai, phụ trách công tác BVCSTE xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Khi lập danh sách các trẻ em khuyết tật, đồng thời chúng tôi cũng thăm dò nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện thực tế của gia đình trẻ. Có trẻ, cha đi biển suốt, mẹ thì đi chợ bán cá, khi nghe thông tin về việc khám, điều trị cho trẻ thì cố gắng thu xếp để đưa con đi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp trẻ khuyết tật ít nhận được sự quan tâm từ phía gia đình”. Chị Mai đưa ra ví dụ về trường hợp của một em gái 16 tuổi bị liệt ở thôn Trường Xuân Đông. Mặc dù được tài trợ hoàn toàn chi phí phẫu thuật, hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở, nhưng gia đình vẫn không đưa em đi phẫu thuật. Thậm chí, khi có chương trình tặng xe lăn chuyên dụng cho người bại não, xã dành cho em một suất, thông báo cho gia đình thì cũng không có ai lên nhận.
Khám, phân loại trẻ khuyết tật là nhằm chọn những em đủ điều kiện để đưa đi phẫu thuật; đồng thời, kiểm tra tình hình phục hồi chức năng của những em đã phẫu thuật từ các năm trước, qua đó có hướng điều trị tiếp theo. Để tất cả trẻ khuyết tật đều được hưởng quyền lợi này, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác BVCSTE ở tuyến xã cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, mỗi gia đình có trẻ em khuyết tật cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày, thu xếp công việc để đưa các em đi khám khi được thông báo.
Theo thống kê của Phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2010, toàn tỉnh có 2.095 trẻ em khuyết tật được đưa vào danh sách khám, phân loại, nhưng chỉ có 976 em đến khám; đã có 205 em được phẫu thuật, 34 em được cấp dụng cụ chỉnh hình. Đầu năm 2011 đến nay, danh sách khám, phân loại có 1.071 em, nhưng chỉ có 521 em đến khám; có 229 em được chỉ định phẫu thuật, 12 em được chỉ định cấp dụng cụ chỉnh hình. |
|