Giá sinh hoạt leo thang khiến đời sống của công nhân (CN) và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng. CN phải giải bài toán tiết kiệm chi tiêu, cộng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
|
Nhiều doanh nghiệp đã tăng tiền ăn ca cho CN.Ảnh: Văn Lưu |
* Chi tiêu tiết kiệm
Khi chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều CN đã cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết; đồng thời, nghĩ ra nhiều cách để ứng phó…
Gần một tháng nay, cả phòng trọ của chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở Thanh Hóa), CN Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (KCN Phú Tài), đang thuê trọ tại phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) bỏ thói quen ăn sáng ở quán, tự nấu cơm ăn tại phòng trọ trước khi vào xưởng làm việc. Chị Hoa nhẩm tính, phòng có 7 người, nếu ăn sáng bên ngoài thì mỗi buổi mất 15.000 đồng/người, còn cùng nhau nấu ăn thì mỗi sáng chỉ tốn từ 5.000 đến 7.000 đồng/người, tiết kiệm được một khoản để chi tiêu cho các việc khác.
Bên cạnh phòng ở của chị Hoa là phòng trọ của nhóm CN Công ty TNHH Trường Lâm (KCN Phú Tài), phòng chỉ có 20m2 nhưng có đến 9 CN cùng ở. “Trước đây phòng chỉ có 5 người, nhưng do chủ trọ tăng tiền phòng, tiền điện, nước nên tụi em mới nhận thêm 4 người nữa ở cùng để chia sẻ bớt chi phí. Tụi em đi làm suốt ngày đến tối mới về, chỉ cần một chỗ nghỉ lưng nên chịu khó ở chật một chút, chi tiêu dè xẻn mới có tiền dư gởi về quê”- chị Thanh, một CN trong nhóm, nói.
Trước khi xăng tăng giá lên 21.300 đồng/lít, chị Nguyễn Thị Năm, ở thôn Liêm Trực (thị trấn Bình Định, An Nhơn), CN Công ty TNHH Trí Tín (KCN Phú Tài) đi làm bằng xe máy. Từ khi xăng tăng giá kéo theo giá cả sinh hoạt leo thang, chị phải tính toán lại, bởi thu nhập của chị chỉ từ 1,6 triệu - 1,8 triệu đồng/tháng; trong khi, phải chi tiêu nhiều thứ trong gia đình. Chẳng hạn, nếu tiếp tục đi xe máy thì mỗi tháng chị phải tốn 400 - 500 ngàn đồng tiền xăng, gần gấp đôi so với trước kia. Thế là dù hay bị say xe, chị Năm vẫn quyết định tập đi xe đưa đón CN để tiết kiệm chi phí đi lại…
Ngoài ra, nhiều CN đã dồn người lại ở chung phòng trọ; CN nữ giảm hẳn các buổi đi vui chơi, mua sắm vào những lúc rảnh rỗi; CN nam thì ít la cà hàng quán…
|
Dù đang gặp khó khăn nhưng Công ty TNHH Việt Ý vẫn quyết định hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với CN. Ảnh: N.Phúc |
* Cùng công nhân vượt khó
Cùng chia sẻ khó khăn với CN, Công ty TNHH Việt Ý (KCN Long Mỹ) chuyên sản xuất giấy nhám và băng keo cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đã quyết định hỗ trợ mỗi CN 0,5 lít xăng/ngày, hỗ trợ tiền ăn trưa 300 ngàn đồng/người/tháng; từ giữa tháng 3.2011, Công ty điều chỉnh tiền lương tăng thêm 10%. Theo ông Ung Thanh Hòa, Giám đốc Công ty, khi nghe CN than thở về các khoản phải chi thêm do tăng giá, Công ty lập tức có chính sách hỗ trợ ngay dù cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Song, điều quan trọng hơn hết mà Công ty hướng tới là giữ chân người lao động có tay nghề thông qua hình thức tăng lương, tăng hỗ trợ đời sống.
Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, do ký được những đơn hàng trái mùa nên vẫn duy trì sản xuất và tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 CN. Trước việc giá cả tăng cao, Công ty cũng đã điều chỉnh tiền lương, tiền khoán sản phẩm cho người lao động tăng từ 15-20%; do đó CN có thu nhập hàng tháng từ 2,2 - 2,4 triệu đồng. Trị giá suất ăn của CN cũng được tăng thêm 10%, để đảm bảo sức khỏe cho CN làm việc. Công ty tiếp tục duy trì hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 90.000 đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần may Bình Định đã điều chỉnh tiền ăn ca cho CN từ 4.500 đồng lên 5.500 đồng/suất; phát động nhiều phong trào thi đua để tăng năng suất, tăng thu nhập cho CN. Công ty TNHH may mặc Able Việt Nam điều chỉnh tiền khoán sản phẩm tăng thêm 10%, tăng tiền ăn ca, hỗ trợ tiền xăng xe 100 ngàn đồng/người/tháng…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, khi giá cả tăng cao, CN là những người trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, tại các Hội nghị người lao động do doanh nghiệp tổ chức, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cũng đã nhắc nhở các chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động, tăng mức hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn ca, điều chỉnh tăng lương, chia sẻ khó khăn cùng CN. Bởi cuộc sống có ổn định thì CN mới an tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp…
|