Phòng chống HIV/AIDS cho ngư dân và phụ nữ ven biển
7:40', 9/4/ 2011 (GMT+7)

Đề án “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho ngư dân và hội viên phụ nữ 16 xã ven biển” đang được Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện tại 3 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát. Đây là cơ hội để đưa công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS sâu rộng đến các địa bàn dân cư.

* Hướng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao

Huyện Hoài Nhơn có 6 xã ven biển. Đặc trưng lao động ở các địa phương này là nhóm nam ngư dân đánh bắt xa bờ thường xuyên xa nhà hàng tháng, đi khắp mọi miền. Họ có cơ hội quan hệ tình dục với gái mại dâm và dễ có khả năng quan hệ tình dục không an toàn, trong khi hầu hết đã có gia đình. Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, từ năm 1993 đến cuối năm 2010, Hoài Nhơn có 84 người bị nhiễm HIV (trong đó nữ chiếm gần 45%), là địa phương có tỉ lệ người nhiễm HIV cao thứ nhì trong số 10 huyện, thành phố trong tỉnh có người nhiễm HIV.

 

Một đêm văn nghệ truyền thông phòng chống HIV/AIDS được tổ chức tại huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Thu Hiền

 

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được các cấp hội phụ nữ của huyện quan tâm với những hình thức như: tuyên truyền vào ngày Phòng chống AIDS 1.12, tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, thành lập CLB nữ vị thành niên với phòng chống AIDS để đưa các kiến thức về phòng chống lây nhiễm HIV và giữ gìn sức khỏe đến với hội viên phụ nữ. Hội còn phối hợp với Bộ đội biên phòng tuyên truyền cho các nhóm nam ngư dân đánh bắt xa bờ. Chị Trương Thị Diện, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Các xã ven biển của huyện đều có người nhiễm HIV, vì thế, công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS được Hội rất chú trọng. Tuy vậy, do kinh phí hạn hẹp nên Hội cũng chỉ tổ chức được các hoạt động truyền thông lồng ghép chứ không thể làm thành các chuyên đề được”.

Cả tỉnh Bình Định hiện có 31/159 xã, phường thuộc tuyến biển, có chiều dài dọc tuyến là 135 km, với dân số gần 200 người; trong đó, có khoảng 20.000 ngư dân thường xuyên đi biển xa nhà. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS có thể xuất phát từ đối tượng này, việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng trên và vợ con của họ là điều rất cần thiết. Đây cũng chính là mục đích mà đề án hướng tới.

* Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Theo chị Nguyễn Thị Hiền, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh, người thực hiện đề án (Đề án được trao giải xuất sắc trong Ngày sáng tạo phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam năm 2010) và là Phó Ban quản lý đề án, đề án hướng đến nhiều mục tiêu cụ thể. Đề án sẽ cung cấp các kiến thức về phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS; các kỹ năng sống lành mạnh cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt cho phụ nữ sống ven biển có chồng, con là ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, làm nghề vận chuyển thường xuyên xa nhà. Bên cạnh đó, sẽ đào tạo các kiến thức, kỹ năng truyền thông cho nhóm cộng tác viên, tuyên truyền cộng đồng để trực tiếp hướng dẫn đối tượng đích về phòng chống lây nhiễm HIV, cả sau khi dự án kết thúc. Đồng thời, dự án triển khai cũng sẽ cung cấp các kiến thức, dịch vụ, kỹ năng giúp cộng đồng chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, tạo cơ hội để bệnh nhân HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng.

Thời gian triển khai đề án: 3.2011 - 2.2012.

Kinh phí: 424 triệu đồng; trong đó, kinh phí giải thưởng cuộc thi Ngày sáng tạo phòng chống HIV/AIDS Việt Nam: 206 triệu đồng, kinh phí địa phương đối ứng: 218 triệu đồng.

Trên cơ sở mục tiêu đó, đề án sẽ triển khai 7 hoạt động: xây dựng đội ngũ tình nguyện viên khoảng từ 375 - 400 người ở 16 xã ven biển; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cộng tác viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống lành mạnh, kiến thức các con đường lây truyền HIV, cung cấp các dịch vụ, tài liệu, thông tin, thông điệp, họp nhóm đối tượng đích 3 tháng/lần; hoạt động câu lạc bộ, tư vấn, trợ giúp, nâng cao kỹ năng phòng ngừa lây truyền HIV; hội thi tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS; giám sát.

 Theo chị Phạm Thị Thanh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban quản lý đề án, điểm mấu chốt quyết định sự thành công của việc triển khai thực hiện đề án chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, ngành y tế các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, vì đây là hoạt động mang tính xã hội hóa. 

Hy vọng với đề án này, người dân các xã ven biển nói chung và phụ nữ nói riêng sẽ được nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi để phòng chống HIV/AIDS hiệu quả. Ngoài ra, đội ngũ tuyên truyền sẽ được làm giàu kiến thức và kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa HIV, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập với cộng đồng và xây dựng một cộng đồng của người dân “sống chung với AIDS”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà trường phải vận động HS, SV “3 không” với game online không lành mạnh   (08/04/2011)
Nhận tác phẩm dự giải từ nay đến ngày 30.4  (08/04/2011)
10 giáo viên dạy giỏi giáo trình Let’s Go  (08/04/2011)
Hỗ trợ Trung tâm BTXH Đồng Tâm xây dựng nhà ăn, bếp nấu  (08/04/2011)
Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước   (08/04/2011)
Cử tri nhất trí giới thiệu ông Nguyễn Văn Thiện ứng cử đại biểu HĐND tỉnh   (08/04/2011)
Sáng tạo để nâng cao tay nghề  (08/04/2011)
Cùng công nhân vượt khó  (08/04/2011)
THÀNH LẬP 17 BAN BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2011-2016  (08/04/2011)
Còn nhiều khó khăn  (08/04/2011)
Thách thức “già hóa dân số”  (07/04/2011)
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2011  (07/04/2011)
Cần rà soát lại cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh  (07/04/2011)
Sẽ tổ chức tại Quy Nhơn từ 12-17.4  (07/04/2011)
Tàu cá Bình Định cứu 8 ngư dân Bến Tre  (07/04/2011)