Ân Hữu nằm cách trung tâm huyện Hoài Ân 10km về hướng Tây Nam, là một xã thuần nông, với hơn 95% dân số sống bằng nông nghiệp; đặc điểm của đồng ruộng Ân Hữu là nằm ven gò, gần khu dân cư, nên chuột trú ẩn trong thôn, xóm ra cắn phá rất nhiều. Để bảo vệ mùa màng, từ lâu, phong trào diệt chuột của người dân nơi đây đã phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả cao.
|
Mỗi lần ra quân diệt chuột, người dân Ân Hữu tham gia rất nhiệt tình. ảnh: Văn Hùng |
* Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột
Chúng tôi về thôn Liên Hội, xã Ân Hữu khi người dân nơi đây đang thu hoạch những khoảnh ruộng 2 vụ cuối cùng. Liên Hội chính là nơi có phong trào diệt chuột phát triển rầm rộ nhất ở Ân Hữu. Tiếp chúng tôi, ông Bùi Quốc Cường, Trưởng thôn Liên Hội, vui vẻ cho biết: “Vào mỗi vụ lúa, trước khi gieo sạ, chúng tôi lại ra quân cùng với nông dân toàn xã. Trước đó, chúng tôi đã họp nhân dân toàn thôn, thống nhất kế hoạch, phân công “địa bàn” để tránh tình trạng dồn cục khi diệt chuột trong ngày ra quân. Trước ngày ra quân vài hôm, cán bộ các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… lại đi một vòng khắp thôn để nhắc nhở bà con. Nhờ vậy, khi ra quân diệt chuột, hơn 70% số hộ trong thôn có người tham gia, có gia đình tất cả thành viên đều tham gia hết. Sau khi ra quân đồng loạt, người dân còn chia thành các nhóm nhỏ, tiếp tục diệt chuột trong những ngày tiếp theo”.
Trong số những người tích cực diệt chuột ở Liên Hội, nổi bật có cựu chiến binh Trần Son. Ông Son năm nay 58 tuổi, rất nhiệt tình mỗi lần ra quân bắt chuột. Ông Son nổi tiếng với biệt tài phát hiện hang chuột rất nhanh, đào giỏi, bắt rất lanh tay. Cánh phụ nữ cũng không thua kém. Chị Nguyễn Thị Khang, 33 tuổi, có thể bắt chuột bằng 2 tay cùng lúc, có khi một tay chụp được 2 con. Chị rất hăng hái, sẵn sàng băng mương, lội bùn để bắt chuột.
Không chỉ Liên Hội, phong trào diệt chuột đã phát triển mạnh ở các thôn khác như Hội Nhơn, Hà Đông… “Trước khi gieo sạ, xã lại tổ chức ra quân đồng loạt để tránh hiện tượng chuột chạy từ đồng này sang đồng khác. Mỗi lần ra quân lại cờ xí, băng rôn rộn ràng, già trẻ gái trai đều nhiệt tình tham gia. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng xắn tay vào để thúc đẩy phong trào. Các trường học trên địa bàn cũng cho học sinh tham gia tích cực. Đầu vụ Đông Xuân 2010-2011, xã tổ chức ra quân diệt chuột, trời đổ mưa nhưng bà con vẫn tham gia rất hăng hái”- ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban Nông lâm - Công thương nghiệp của xã Ân Hữu, chia sẻ.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, ngoài các cách diệt chuột truyền thống như đào hang, đổ nước, giăng lưới… thời gian gần đây, người dân Ân Hữu còn dùng bả chuột. Trong năm 2010, Ân Hữu đã được Phòng Nông nghiệp huyện cấp 150 kg thuốc biorat, kịp thời phát cho bà con để đặt bả diệt chuột. Ngoài ra, xã cũng đã tập huấn cách diệt chuột bằng bẫy cây trồng, dự định sẽ thực hiện trong thời gian tới.
|
Nhờ làm tốt phong trào diệt chuột, bảo vệ mùa màng, người dân Ân Hữu đã có được những mùa bội thu.
- Trong ảnh: Nông dân Ân Hữu đang thu hoạch lúa Đông Xuân. ảnh: N.V.T |
* Chuyển biến trong ý thức người dân
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi vụ lúa ở Ân Hữu, số lượng chuột bị diệt là trên 10.000 con; có ngày ra quân, cả xã bắt được 5.000 - 6.000 con. Riêng vụ Đông Xuân 2010-2011, xã diệt được trên 20.000 con. Đến cuối năm 2010, diện tích lúa bị chuột phá hại của Ân Hữu đã giảm hơn 50% so với trước đó. Không riêng gì cây lúa, các loại hoa màu như bắp, đậu phụng, dưa cũng không bị chuột phá hại như trước. Ở Ân Hữu, giờ đây đã không còn hình ảnh những hàng rào nilon bao quanh ruộng đồng…
Nói về hiệu quả của phong trào diệt chuột ở Ân Hữu, ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Mỗi năm, Ân Hữu có hơn 360 ha đất trồng lúa. Hiện tại, 5/6 thôn của Ân Hữu đã chuyển từ lúa 3 vụ sang 2 vụ. Nhờ làm lúa 2 vụ, thời gian sạ kéo dài nên các đợt diệt chuột cũng tiến hành được nhiều lần hơn. Thuốc diệt chuột biorat chỉ thích hợp với nền nhiệt độ thấp của vụ Đông Xuân, nên diệt chuột theo các phương pháp truyền thống vẫn được ưu tiên. Số lượng chuột diệt được càng tăng, năng suất lúa cũng theo đó tăng lên. Vụ Đông Xuân 2009-2010, năng suất lúa bình quân của cả xã đạt 61,9 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt 2.209 tấn, vượt gần 130 tấn so với kế hoạch. Kết quả đó càng làm cho cán bộ, nhân dân Ân Hữu phấn khởi, tiếp tục đẩy mạnh phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng”.
Và, điểm đáng ghi nhận trong phong trào diệt chuột ở Ân Hữu là chuyển biến trong nhận thức của người dân. Không chờ chính quyền bỏ tiền ra mua đuôi chuột, không cần tuyên dương, khen thưởng, người dân Ân Hữu vẫn xăng xái tham gia khi có đợt phát động, tự giác hình thành những nhóm nhỏ để bắt chuột. Và, sau mỗi buổi ra đồng bắt chuột, họ đếm số chuột tiêu diệt được, để so sánh hiệu quả của lần này so với lần trước. Hơn ai hết, những người nông dân nhận thức được rằng, diệt chuột là để bảo vệ mùa màng, bảo vệ bồ lúa của chính gia đình họ.
Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, đánh giá: “Ngoài việc chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, ý thức tự giác của người dân cũng là một yếu tố quan trọng góp phần đưa Ân Hữu trở thành xã điển hình trong công tác diệt chuột bảo vệ mùa màng của Hoài Ân. Từ điển hình này, chúng tôi đã nhân rộng ra các xã khác như Ân Đức, Ân Phong, Ân Thạnh… trở thành phong trào rộng khắp, mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất lúa hằng năm của Hoài Ân thêm 4-5 tạ/ha”.
|