THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ:
Ẩn họa khó lường
21:55', 13/4/ 2011 (GMT+7)

Kết quả giám sát về mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong năm 2010 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh được thực hiện với 450 mẫu thực phẩm của các cơ sở thức ăn đường phố (TĂĐP) lấy ngẫu nhiên, như: thịt quay, chả cá, nem chua, bún tươi, nước uống đóng chai, rượu trắng… cho thấy, thức ăn đường phố vẫn đang ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường.

* Nguy cơ cao

Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên, Chi cục thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao để có cơ sở cảnh báo cho người tiêu dùng”.

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 5.200 cơ sở TĂĐP, chiếm khoảng 80% tổng số cơ sở thực phẩm do ngành quản lý. Đây là loại dịch vụ thực phẩm ăn ngay với đại đa số là người tiêu dùng có túi tiền khiêm tốn, công nhân, học sinh… Ảnh: Văn Lưu
 

Kết quả giám sát 450 mẫu thực phẩm TĂĐP thuộc các nhóm thực phẩm nói trên, với 12 chỉ tiêu đánh giá, cho thấy: có rất nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đáng chú ý, về ô nhiễm vi sinh thì mẫu sản phẩm thịt quay cao hơn cả so với nhóm thực phẩm được giám sát, với tỉ lệ ô nhiễm là 19%, tiếp theo là nhóm thực phẩm chả cá 18% và nem chua 11%. Về mức độ ô nhiễm hóa lý, hàn the được sử dụng nhiều trong chả cá, tỉ lệ 21%.

Theo thống kê của ngành Y tế, toàn tỉnh hiện có hơn 5.200 cơ sở TĂĐP, chiếm khoảng 80% tổng số cơ sở thực phẩm do ngành quản lý. Đây là loại dịch vụ thực phẩm ăn ngay với đại đa số là người tiêu dùng có túi tiền khiêm tốn, công nhân, học sinh…

Trong khi các cơ sở TĂĐP mọc lên ngày càng nhiều thì độ an toàn càng bấp bênh. Năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành 10 tiêu chuẩn an toàn TĂĐP. Nhưng cơ sở khá nhất cũng chỉ đạt được 5-6 tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn không đạt phổ biến nhất đó là nguồn nước sạch. Chưa xét đến chất lượng nước được dùng để chế biến thực phẩm thì nước rửa ly, chén được dùng đi dùng lại cũng là điều kinh khủng. Một điều kiện khác, đó là phương tiện bảo quản thực phẩm cũng không đảm bảo. Hay tiêu chuẩn điều kiện sức khỏe của người trực tiếp chế biến và bán hàng cũng chưa được đáp ứng…

Bác sĩ Hồng cho rằng: Số lượng mẫu giám sát mối nguy thực phẩm năm 2010 chưa nhiều, nhưng kết quả này cũng phản ánh được tình trạng mất an toàn của TĂĐP. Điều kiện đảm bảo VSATTP yếu kém, ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua đường thực phẩm gây tổn hại sức khỏe cộng đồng là không thể tránh khỏi.

* Quản không xuể, phạt cũng không xong

Đó là thực trạng quản lý cơ sở TĂĐP mà đến thời điểm này cũng chưa có giải pháp gỡ rối. Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các cơ sở TĂĐP đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tuy nhiên, đó chỉ là trên văn bản, còn thực tế thì khác xa. Bởi, đến cuối năm 2010, Bình Định mới có 1.067/5.285 cơ sở TĂĐP được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chiếm khoảng 20%. Trong đó 3 huyện: Phù Cát, Hoài Ân và An Lão thậm chí còn chưa cấp được giấy chứng nhận nào cho các hàng quán TĂĐP.

Một số ý kiến cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho TĂĐP sẽ khả thi nếu cán bộ địa phương tập trung tất cả các đối tượng hành nghề, yêu cầu khai rõ nguồn gốc hàng hóa và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh khác. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng việc giám sát nguồn gốc hàng hóa của người bán TĂĐP cũng chưa chắc đã hiệu quả vì người bán có thể khai là mua hàng ở nơi này, nhưng thực chất lại lấy hàng ở nơi khác. Điều này không ai kiểm soát nổi.

Trong năm 2011, ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm với 8 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao là: mực, cá rim; xí muội; thức ăn chế biến sẵn (thịt, trứng, cá, rau, xào…); chè các loại; các loại rau ăn sống; dầu rán; rượu trắng; nước uống đóng chai.

Theo phân cấp, UBND tuyến xã là cơ quan quản lý, giám sát TĂĐP dưới sự tham mưu của trạm y tế xã. Theo đó, trạm y tế địa phương phân công một cán bộ phụ trách, nhưng đều làm kiêm nhiệm. Còn chính quyền phường, xã chỉ đạo cũng chỉ có mức độ, không liên tục, trong khi các ban ngành tham gia với hình thức phong trào bất chợt, có khi cũng không “mặn mà” lắm với công tác “kiêm nhiệm” này.

Quản lý đã khó, xử phạt cơ sở TĂĐP vi phạm cũng không dễ. Mức xử phạt cơ sở thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, bao gồm cả cơ sở TĂĐP 10-15 triệu đồng, nhưng tuyến xã chưa có thẩm quyền xử phạt hành chính ở mức này. Mặt khác, vốn liếng của một cơ sở TĂĐP có khi chưa đến 1 triệu đồng, nên việc xử phạt cũng không khả thi. Đó lại là phương tiện kiếm sống của phần lớn người lao động ít vốn, bảo cấm cũng không được.

Bác sĩ Hồng đưa ra ý kiến, trong khi các bất cập giữa quy định và thực tế công tác quản lý chưa được điều chỉnh thì vấn đề lúc này là để hạn chế tác hại của TĂĐP mất vệ sinh thì cần hạn chế các điều kiện tồn tại của các cơ sở TĂĐP. Chỉ cần các cơ sở này đảm bảo thực hiện 10 tiêu chuẩn của TĂĐP, đã là được!

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tạo cơ chế phân cấp quản lý và phân quyền cho TP Quy Nhơn   (13/04/2011)
Giải ngân 32.409 USD cho 697 học sinh  (13/04/2011)
Thành lập CLB Sinh viên Bình Định tại TP HCM   (13/04/2011)
Thêm 498 học sinh giỏi tiểu học cấp tỉnh  (13/04/2011)
Đã tìm thấy nữ sinh mất tích  (12/04/2011)
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt 35 huy chương  (12/04/2011)
Thu hồi thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (12/04/2011)
Thi lại vòng 25 cấp tỉnh Kỳ thi giải Toán qua mạng  (12/04/2011)
Khai mạc Kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc năm 2011  (12/04/2011)
Nhà trường, phụ huynh cùng xoay xở  (12/04/2011)
Chợ mới, sức sống mới  (12/04/2011)
Triển khai Đề án truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho ngư dân và phụ nữ ven biển  (09/04/2011)
Thông báo về màu phiếu bầu và kích thước thùng phiếu  (09/04/2011)
Cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền  (09/04/2011)
“Xã diệt chuột”  (09/04/2011)