Về quê mở xưởng
21:40', 15/4/ 2011 (GMT+7)

Do ở phố hoặc các khu, cụm công nghiệp tuyển lao động (LĐ) khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng tìm về các vùng nông thôn mở xưởng để thu hút LĐ tại chỗ.

 

Một phân xưởng may đồng phục của Công ty cổ phần may mặc Xuân Phương Nam chi nhánh Bình Định.
 

* Không lo thiếu thợ

Theo các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, trước tình trạng khan hiếm LĐ, nhất là LĐ có tay nghề, nhiều DN ở phía Nam đã về Bình Định để tuyển dụng. Các DN đưa ra nhiều chính sách để thu hút LĐ như: hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền xe từ Quy Nhơn vào nơi làm việc, mức thu nhập hấp dẫn… nhưng vẫn không tuyển được LĐ theo yêu cầu. Để ổn định và mở rộng sản xuất, một số DN buộc phải về các vùng nông thôn mở xưởng thu hút LĐ tại chỗ, vì nguồn LĐ ở đây còn khá dồi dào.

Công ty cổ phần may mặc Xuân Phương Nam (TP Hồ Chí Minh) chuyên may đồng phục công sở, đồng phục trường học, văn phòng, khách sạn - nhà hàng, đồng phục y tế, nhân viên bảo vệ - bán hàng, bảo hộ lao động, phụ trang… Do nhu cầu mở rộng sản xuất nên Công ty quyết định mở thêm xưởng mới tại thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận (Tuy Phước) để thu hút nguồn LĐ nông thôn vào làm việc. Bước đầu, xưởng đã giải quyết trên 50 LĐ tại xã Phước Thuận và các xã lân cận.

Ông Nguyễn Lê Trung Phương, Giám đốc Công ty cổ phần may mặc Xuân Phương Nam là người Phước Thuận, tâm sự: “Về quê mở xưởng có được thuận lợi là nguồn LĐ dồi dào; tuy nhiên, trình độ tay nghề của LĐ còn yếu nên phải mất thời gian để đào tạo lại, làm quen với sản phẩm. Tác phong làm việc của LĐ còn chưa chuyên nghiệp nên khi có việc nhà là tự ý nghỉ làm, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất”. Theo ông Phương, kế hoạch ban đầu xưởng sẽ tuyển 150 công nhân nhưng do lưới điện 3 pha kéo đến xưởng gặp một số vướng mắc nên vẫn chưa mở rộng sản xuất được.

Đầu tháng 4.2011, Công ty TNHH may thêu Sinh Phúc (TP Hồ Chí Minh) cũng quyết định về quê mở xưởng tại tổ 13, khu vực 2, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Hiện, xưởng may đang tạo việc làm cho 120 công nhân ở phường Nhơn Bình, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) và các xã lân cận của huyện Tuy Phước. Ông Võ Đình Hòe, Giám đốc Công ty TNHH may thêu Sinh Phúc chi nhánh Bình Định, cho biết: “Vừa về mở xưởng, rao tuyển LĐ, đã có nhiều LĐ đến nộp hồ sơ nên xưởng nhanh chóng ổn định sản xuất. DN quyết định mở rộng xưởng thu hút thêm 150 công nhân”.

 

Công ty TNHH may thêu Sinh Phúc chi nhánh Bình Định đang tuyển thêm LĐ.

 

* Không còn ly hương

Mặc dù về quê mở xưởng, các DN vẫn áp dụng các chế độ, chính sách hỗ trợ cho LĐ như đang làm việc tại công ty ở TP Hồ Chí Minh. Còn LĐ thì được làm việc gần nhà, thu nhập ổn định.

Công nhân Công ty cổ phần may mặc Xuân Phương Nam chi nhánh Bình Định, sau thời gian thử việc 3 tháng được ký hợp đồng lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động, hỗ trợ 15% trên mức lương sản phẩm trong 2 tháng đầu, hỗ trợ tiền ăn trưa 10.000 đồng/ngày/công nhân, hỗ trợ tiền gửi xe, tiền trách nhiệm; khi công nhân nghỉ do không có hàng thì được hỗ trợ 50% tiền ăn trưa và được hỗ trợ từ 33.000 đến 45.000 đồng/ngày, tùy theo tay nghề…

Công ty TNHH may thêu Sinh Phúc chi nhánh Bình Định cũng hỗ trợ tiền cơm trưa 10.000 đồng/ngày, ngày làm việc 8 giờ, cho nghỉ ngày Chủ nhật…

Còn các công nhân thì cho biết, họ được làm việc gần nhà nên có thời gian chăm sóc con cái. Nhiều công nhân trước đây phải vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm việc, nay đã quay trở về quê làm việc.

Sau 5 năm làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh, ăn cơm bụi, ở nhà trọ, chị Trương Thị Mỹ Hằng, ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) hiện đã xin về xưởng may của Công ty TNHH may thêu Sinh Phúc chi nhánh Bình Định làm việc. Chị Hằng cho hay: “Về quê làm mức thu nhập có thấp hơn nhưng bù lại ở gần gia đình, ai cũng cảm thấy hạnh phúc”.

Hiện nay, thông qua các Trung tâm giới thiệu việc làm, các DN về vùng nông thôn mở xưởng đang có nhu cầu tuyển dụng LĐ với số lượng lớn, điều này giúp tình trạng ly hương tìm việc sẽ giảm đáng kể.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (15/04/2011)
Sẽ có thêm một trường Cao đẳng Kinh tế-Công nghệ   (15/04/2011)
Biểu dương 39 nhà bảo trợ, NKT&TMC tiêu biểu  (15/04/2011)
Ký kết giao ước thi đua năm 2011  (15/04/2011)
Lắp đặt trang thiết bị hiện đại cho phòng phẫu thuật Trạm y tế xã  (15/04/2011)
300 triệu đồng triển khai hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm  (15/04/2011)
Sức mạnh từ sự đồng thuận  (14/04/2011)
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (14/04/2011)
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động  (14/04/2011)
Đã được triển khai hiệu quả  (14/04/2011)
Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Người khuyết tật Việt Nam  (14/04/2011)
Đầu tư 44,755 tỉ đồng cho Chương trình việc làm  (14/04/2011)
Những thành tựu quan trọng trong 5 năm 2006-2010   (13/04/2011)
“Chọn mặt gửi vàng”   (13/04/2011)
Chưa phải bất thường   (13/04/2011)