NHÂN NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18.4
Nối dài “chiếc cần câu”
22:32', 16/4/ 2011 (GMT+7)

Để người khuyết tật (NKT) không là gánh nặng của gia đình và xã hội thì dạy nghề, tạo việc làm cho họ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cơ hội để NKT tiếp cận với các doanh nghiệp vẫn còn rất ít. “Chiếc cần câu”- việc làm cho NKT - vẫn chưa đủ dài để họ có thể tự mưu sinh…

 

Dạy nghề, bố trí việc làm cho NKT phải hướng đến phù hợp với đặc điểm khuyết tật của họ.

- Trong ảnh: NKT câm, điếc làm nghề đan mây. Ảnh: N.V.T

 

* Ít cơ hội cho NKT

Ở tỉnh ta hiện nay, NKT được đào tạo nghề chủ yếu ở Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) và Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Ngoài ra, các nhóm tự lực, các cơ sở khuyết tật và một số doanh nghiệp cũng tổ chức hoạt động dạy nghề cho NKT, nhưng ở quy mô vừa và nhỏ.

Trong năm 2010, Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định đã dạy nghề cho 85 NKT với các nghề chăn nuôi thú y, tin học ứng dụng và may dân dụng, công nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các lớp dạy nghề được mở vào ban đêm tại địa phương để tạo điều kiện cho NKT tham gia. Sau khi được đào tạo, NKT tự lập thành các nhóm nghề nghiệp nhỏ để kiếm sống. Tuy nhiên, phải thừa nhận là tỉ lệ NKT sau khi được đào tạo có việc làm ổn định vẫn còn thấp”.

Hiện, Chính phủ đang triển khai Đề án 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo ông Khánh, NKT là những người vừa thuộc diện lao động nông thôn, lại vừa là đối tượng lao động khó khăn. Thời gian tới, khi Đề án 1956 đi vào thực tế sẽ tạo điều kiện để thực hiện nhiều chế độ ưu đãi cho NKT, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với việc làm.

Trong khi đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm thường xuyên nhận được các dự án hỗ trợ dạy nghề cho NKT. Năm 2010, Trung tâm đã mở 3 lớp dạy nghề may, đan mây cho 85 NKT. Sau khi được dạy nghề, hầu hết NKT đều được các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phú Tài như Thành Hiệp, Giang Đạt Thành, Thành Đồng… nhận về. Theo thống kê của Trung tâm, có khoảng 80% số học viên được giới thiệu việc làm sau khi được đào tạo nghề. Tuy nhiên, số lượng NKT bám trụ được với nghề thì chưa thể thống kê được.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, số doanh nghiệp có sử dụng lao động khuyết tật chỉ chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp. Số lao động khuyết tật cũng chỉ chiếm 0,2% số lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp. Những con số thống kê đó đặt ra cho các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và nhà quản lý thách thức trong công tác giải quyết việc làm cho NKT.

* Tìm tiếng nói chung

Công ty TNHH Thành Hiệp chuyên sản xuất hàng may mặc hiện có 140 lao động; riêng cơ sở chính ở Khu công nghiệp Phú Tài có 50 lao động, hơn một nửa trong số này là NKT. Chị Nguyễn Thị Dư, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Khi có NKT xin việc, hiếm khi chúng tôi từ chối. Đa số NKT sau khi đào tạo nghề tay nghề vẫn còn yếu, chúng tôi phải đào tạo lại. Ở Công ty, công việc được bố trí, phân công phù hợp với tình hình sức khỏe, đặc điểm khuyết tật của lao động”.

Chị Dư cũng cho biết, dù chất lượng của lao động là NKT sau đào tạo nghề không cao, nhưng không thể đòi hỏi nhiều hơn vì thời gian mỗi khóa học nghề quá ngắn (thường chỉ 3 tháng). Trong thời gian đó, NKT chỉ được làm quen với máy, đạp được đường chỉ thẳng, chứ không thể yêu cầu kỹ thuật may phức tạp. “Dù vậy, các cơ sở dạy nghề cho NKT cũng cần phải thực hiện nâng chất lượng dạy nghề, để NKT có thể sống bằng nghề mình được đào tạo, không được dạy qua loa đại khái. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp cho NKT cũng rất quan trọng, cần tư vấn cho họ ngành nghề phù hợp với đặc điểm khuyết tật của mình” - chị Dư khẳng định.

Chị Dư cho biết thêm, hiện chị đang làm dự án mở rộng quy mô của Công ty (từ 400m2 lên đến 5.000m2). Khi dự án này được thông qua và đi vào thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, và đối tượng NKT vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Làm sao để nâng cao tay nghề của NKT cũng là trăn trở của nhiều cơ sở dạy nghề. Ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm, phân tích: “Hoạt động dạy nghề của chúng tôi phụ thuộc lớn vào các dự án hỗ trợ, họ quy định thời gian và kinh phí. Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy nghề, nhất là khâu thực hành, vẫn còn nhiều thiếu thốn. Ngoài sự cảm thông, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp mở rộng hơn nữa đối tượng lao động để NKT có nhiều cơ hội hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở cũng cần có cái nhìn thoáng hơn, sẵn sàng tiếp nhận NKT có trình độ vi tính, nghiệp vụ văn phòng…”.

Để NKT có nhiều cơ hội làm việc hơn, theo chúng tôi, giữa cơ sở đào tạo nghề cho NKT và doanh nghiệp cũng cần hình thành và duy trì mối liên hệ chặt chẽ. Doanh nghiệp có thể đảm bảo “đầu ra” cho lao động khuyết tật, bên cạnh đó cũng hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, đặt ra cho cơ sở dạy nghề một số yêu cầu nhất định. Ở một phương diện khác, các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề cũng cần hướng đến hiệu quả thiết thực. Ngoài tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các nhà tài trợ cần đặt ra yêu cầu cơ sở đào tạo tiếp nhận dự án phải có phương án giải quyết việc làm cho NKT sau học nghề.

Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh: “Công tác dạy nghề cho NKT phải hướng đến sự phù hợp với loại hình khuyết tật, nơi dạy nghề càng gần nơi ở của họ càng tốt. Bên cạnh công tác dạy nghề, để khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật thì Nhà nước phải thực tốt các chính sách cho họ. Luật NKT (chính thức có hiệu lực từ 1.1.2011) cần được triển khai sâu rộng để các cấp quản lý nắm vững các điều khoản để thực hiện tốt, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác tạo việc làm cho NKT”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoa trên đá…  (16/04/2011)
Lượng máu thu gom chưa đáp ứng đủ nhu cầu truyền máu  (16/04/2011)
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản  (15/04/2011)
Về quê mở xưởng   (15/04/2011)
Tổ chức học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (15/04/2011)
Sẽ có thêm một trường Cao đẳng Kinh tế-Công nghệ   (15/04/2011)
Biểu dương 39 nhà bảo trợ, NKT&TMC tiêu biểu  (15/04/2011)
Ký kết giao ước thi đua năm 2011  (15/04/2011)
Lắp đặt trang thiết bị hiện đại cho phòng phẫu thuật Trạm y tế xã  (15/04/2011)
300 triệu đồng triển khai hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm  (15/04/2011)
Sức mạnh từ sự đồng thuận  (14/04/2011)
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (14/04/2011)
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động  (14/04/2011)
Đã được triển khai hiệu quả  (14/04/2011)
Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Người khuyết tật Việt Nam  (14/04/2011)