Đổi mới phong cách báo cáo trong các cuộc họp
19:40', 17/4/ 2011 (GMT+7)

Báo cáo là loại văn bản hành chính mang tính thông tin. Trình bày báo cáo tại một cuộc họp sao cho người nghe có thể nắm bắt và chia sẻ đầy đủ thông tin là điều không dễ. Bởi lẽ, người báo cáo vừa phải trình bày rõ ràng, khách quan, vừa phải đánh giá được tâm lý của người nghe để rút kinh nghiệm. Người nghe báo cáo phải vừa tiếp thu được thông tin, vừa biết chất vấn, phản biện cho nội dung báo cáo.

 

Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị đảng viên mới, do Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Lưu

 

Với mật độ tổ chức cuộc họp khá dày như hiện nay, số lượng báo cáo, thông tin phải tiếp nhận đối với cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tình hình chung là chất lượng báo cáo tại nhiều cuộc họp hiện nay còn hạn chế, phần vì thông tin đã không còn độ “nóng hổi”, phần khác vì phong cách trình bày của người thực hiện báo cáo vẫn theo lối mòn “đọc một mạch từ đầu đến cuối”, còn người nghe chỉ với nhiệm vụ xem người đọc có đúng từng câu, từng chữ hay không, giống như dò… chính tả!

Đó là chưa kể đến việc nhiều báo cáo của các cơ quan lãnh đạo, điều hành có những thông tin sai lệch nhau. Điều này được lý giải do cơ quan tham mưu được cung cấp nguồn thông tin khác nhau từ các phòng, ban chuyên môn trực tiếp xử lý công việc hoặc gián tiếp qua kênh thông tin từ cơ sở.

Đơn cử, cùng một thời điểm, văn phòng cấp ủy nhận thông tin về diện tích, năng suất lúa, nông sản phẩm và số liệu từ cơ quan thống kê, nhưng văn phòng UBND lại được cung cấp số liệu từ phòng kinh tế. Hai cơ quan này được xem là cơ quan tham mưu đáng tin cậy nhất của cấp trên song cơ quan nào cũng có lý do bảo vệ thông tin của riêng mình. Đến khi được yêu cầu giải trình trước tập thể lãnh đạo cấp trên, cả hai cơ quan không lý giải được vì sao lại có sự sai lệch như vậy! Tình trạng này cũng diễn ra ở một số báo cáo định kỳ tại một số cơ quan tham mưu khác như Mặt trận, đoàn thể - những cơ quan tiếp nhận thông tin gián tiếp từ cơ sở!

Chọn lọc, đổi mới báo cáo và phong cách báo cáo tại một cuộc họp là không dễ, bởi trong nhận thức của nhiều cán bộ hiện nay, báo cáo đã giống như một “ba rem” có sẵn, chỉ thay đổi số liệu giữa tháng trước và tháng sau, còn lý giải hay lập luận thì không được quan tâm đến. Đọc một số báo cáo, người ta dễ nhận thấy sự sáo mòn, rập khuôn, đôi khi đến độ máy móc. Phần đánh giá, lập luận tháng trước và tháng sau, quý trước và quý sau, giữa năm và cuối năm giữa nhiều địa phương có đặc điểm kinh tế - xã hội tương đối giống nhau đều rất giống nhau. Bên cạnh đó, người viết báo cáo dùng rất nhiều sáo ngữ kiểu như: “tăng cường”, “nâng cao”, “đẩy mạnh”, “kiên quyết”… làm cho các văn bản báo cáo ngày càng mang tính hình thức.

Thiết nghĩ, hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị cần xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu báo cáo và trực tiếp báo cáo thật chất lượng. Cán bộ được phân công trực tiếp báo cáo phải đào sâu tư duy, tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng báo cáo một cách khoa học, cập nhật thông tin mới và báo cáo trước tập thể không theo lối mòn “đọc và dò”.

Báo cáo phải được xây dựng theo kiểu thống kê những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế từ chủ trương tháng trước, quý trước, năm trước mà lãnh đạo và tập thể đã thống nhất đưa ra và nên được trình bày ngắn gọn, súc tích. Người trực tiếp báo cáo tiếp nhận thông tin từ các cơ quan chuyên môn để giải trình và đánh giá, nhận xét kết quả. Một số nguyên nhân, tồn tại phải được giải trình rõ ràng, tập trung, tránh tình trạng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.

Có vậy, báo cáo mới thực sự phong phú, có chất lượng; những chủ trương, chính sách mới được thực thi nghiêm túc, hiệu quả; lãnh đạo nắm bắt được tình hình và định ra những quyết sách phù hợp cho thời gian đến.

  • Nguyễn Lê Anh Tuấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công bố các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ II  (17/04/2011)
Trao 278 giải thưởng  (16/04/2011)
Nối dài “chiếc cần câu”  (16/04/2011)
Hoa trên đá…  (16/04/2011)
Lượng máu thu gom chưa đáp ứng đủ nhu cầu truyền máu  (16/04/2011)
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản  (15/04/2011)
Về quê mở xưởng   (15/04/2011)
Tổ chức học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (15/04/2011)
Sẽ có thêm một trường Cao đẳng Kinh tế-Công nghệ   (15/04/2011)
Biểu dương 39 nhà bảo trợ, NKT&TMC tiêu biểu  (15/04/2011)
Ký kết giao ước thi đua năm 2011  (15/04/2011)
Lắp đặt trang thiết bị hiện đại cho phòng phẫu thuật Trạm y tế xã  (15/04/2011)
300 triệu đồng triển khai hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm  (15/04/2011)
Sức mạnh từ sự đồng thuận  (14/04/2011)
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (14/04/2011)