Để được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, trường phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn về: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở vật chất; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất thiết bị và công tác xã hội hóa giáo dục.
Trong các tiêu chuẩn trên, thì tiêu chuẩn khó đạt và dễ làm “tụt hạng” nhất chính là chất lượng giáo dục. Theo quy định, một năm trước khi được công nhận và trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn thì tỉ lệ HS bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 6%, trong đó, tỉ lệ HS bỏ học không quá 1%; HS có học lực loại giỏi từ 3% trở lên, khá từ 35%, yếu, kém không quá 5%.
Bởi vậy, để đạt chuẩn không ít trường đã phải “ép” tỉ lệ HS bỏ học, HS yếu kém xuống càng thấp càng tốt; nâng tỉ lệ HS khá, giỏi lên. Bởi vậy, không lạ gì khi thấy tỉ lệ HS bỏ học 2 năm trước đang còn “ngất ngưởng” ở mức 3,5-4%, thì năm sau đó hạ xuống còn chưa đến 2%, rồi chưa đến 1% vào trước năm được công nhận trường chuẩn. Hiệu trưởng nhắc nhở giáo viên “sang năm là trường mình chuẩn đấy”; tự khắc, giáo viên sẽ biết mà “đẩy” tỉ lệ HS khá, giỏi lên, hạ yếu, kém xuống, mặc dù thực chất không phải như vậy. Cũng bởi áp đặt tỉ lệ HS bỏ học không quá 1%, giáo viên phải kiêm cả việc đến nhà vận động, năn nỉ HS không bỏ học, và không được phép đuổi học HS cho dù HS đó đáng bị như vậy. Lý do “chuyển trường” cũng là cách các trường hợp thức hóa việc HS bỏ học.
Dĩ nhiên, không thể không thừa nhận những mặt tích cực của quy định trường chuẩn. Cơ sở vật chất trường lớp ngày một khang trang hơn, đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa… Nhưng có nên “chuẩn” về mặt chất lượng giáo dục hay không? - đây là một vấn đề mà những người tâm huyết với giáo dục đặt ra. Còn nữa, nhiều người cũng băn khoăn, nếu tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường chuẩn thì làm sao với những trường chưa đạt chuẩn. Hiệu trưởng một trường ví von: “Dồn sức cho “chuẩn” chẳng khác nào nhà nghèo lại cố đầu tư cho một “đứa” được học đại học còn một “đứa” chịu mù chữ”.
Nên chăng, đã đến lúc cần có một cách công nhận khác?
|