Dù được Nhà nước hỗ trợ 50% phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng phần lớn người cận nghèo trong tỉnh vẫn chưa mặn mà tham gia BHYT.
* Tỉ lệ tham gia thấp
Theo tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn năm 2010-2015, những người ở nông thôn có mức thu nhập từ 401 ngàn đồng đến dưới 520 ngàn đồng/tháng và ở thành thị có mức thu nhập từ 501 ngàn đồng đến dưới 650 ngàn đồng/tháng được xếp là cận nghèo. Căn cứ tiêu chí trên, đến nay, tỉnh ta có 133.348 người cận nghèo, nhưng chỉ có 7.226 người trong số đó tham gia BHYT, tỉ lệ 5,4%!
|
Cần nâng chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến y tế cơ sở để người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT. |
Năm 2010, tỉ lệ này cũng chỉ có 13%. Trong khi đó, từ tháng 7.2009, theo lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2014 của Luật BHYT, người cận nghèo được đưa vào diện bắt buộc tham gia BHYT với sự hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ BHYT của Nhà nước. Nghĩa là, người cận nghèo chỉ đóng 197.100 đồng thay vì phải đóng 394.200 đồng.
Có nhiều nguyên nhân để người cận nghèo chưa mặn mà với BHYT, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là tiền và nhận thức. Ông Võ Năm, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho rằng: Vấn đề bắt buộc người cận nghèo tham gia BHYT rất nan giải. Dù được hỗ trợ 50% phí BHYT nhưng phần lớn người cận nghèo đều nằm sát mức chuẩn nghèo trong khi số tiền mua thẻ BHYT tương đối lớn.
Năm 2010, khi BHXH tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm BHYT toàn dân tại xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn) thì chỉ tiêu phát hành thẻ cho người cận nghèo là cái khó nhất của xã. Chị Ngô Thị Tuyết Vân (ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc), cho biết: Với những hộ gia đình khá giả, vài trăm ngàn đồng thì chẳng thấm vào đâu, nhưng với những hộ gia đình cận nghèo, số tiền trên đủ để họ chi tiêu cả tháng trời. Những hộ gia đình có 5-6 người, nếu tất cả đều tham gia BHYT thì dù được hỗ trợ 50% cũng chưa chắc đủ tiền để mua BHYT.
Chị Hoàng Thị Thanh N. (ở xã Nhơn Lộc), tâm sự: “Gia đình tôi có 6 người. Vẫn biết có thẻ BHYT sẽ đỡ lo khi chẳng may ốm đau nhưng phải đóng gần 1,2 triệu đồng thì lấy đâu ra trong khi thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng”.
|
Không có thẻ BHYT, nhiều người cận nghèo thiệt thòi khi vào viện điều trị, đặc biệt với những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. |
* Để người cận nghèo không thiệt thòi
Ông Võ Năm thừa nhận, công tác tuyên truyền về BHYT chưa mạnh, nên dẫu người cận nghèo được hỗ trợ mức đóng BHYT khá lớn, nhưng tỉ lệ tham gia BHYT vẫn không cao còn có lý do là người dân chưa nắm rõ những lợi ích mà BHYT đem lại. Thực tế, nhiều năm qua, sự phối hợp tuyên truyền giữa các ngành liên quan chưa đồng bộ, chưa sâu rộng và thiết thực, nên chính sách BHYT chưa thực sự đi vào đời sống. Không ít người đợi đến khi ốm đau mới cuống cuồng đi đăng ký mua thẻ BHYT.
Kể từ ngày 1.5.2011, lương cơ bản sẽ được điều chỉnh là 830 ngàn đồng/người/tháng. Mệnh giá thẻ BHYT được tính bằng 4,5% lương tối thiểu chung, nghĩa là sẽ tăng lên 448 ngàn đồng/thẻ. Giá viện phí cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7-10 lần mức giá hiện nay, theo hình thức tính đúng và tính đủ. Điều này đồng nghĩa với việc hộ cận nghèo sẽ đối mặt với những khó khăn lớn: Tham gia BHYT thì số tiền phải đóng vượt quá khả năng của họ (224 ngàn đồng/người/năm), còn không tham gia thì không có khả năng chi trả viện phí khi đau ốm.
Năm 2010, tổng chi phí BHXH tỉnh chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 228.905 lượt người nghèo và cận nghèo là gần 44 tỉ đồng. Nhiều bệnh nhân diện cận nghèo được chi trả BHYT với mức cao. Đơn cử như trường hợp ông Lê Văn Khiêm (Cát Hanh, Phù Cát) bị bán tắc ruột, được chi trả hơn 38 triệu đồng; bà Châu Thị Lý (Phước Hưng, Tuy Phước) bị ung thư vú, được chi trả hơn 25 triệu đồng… |
Ông Võ Năm nhấn mạnh: “Không có thẻ BHYT, lẽ dĩ nhiên, người cận nghèo sẽ khó khăn khi vào viện điều trị, đặc biệt là với những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Do đó, năm 2011, BHXH đã đưa người cận nghèo vào nhóm ưu tiên tuyên truyền, vận động để họ tham gia BHYT; chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh việc phát triển BHYT các nhóm được hỗ trợ phí mua thẻ như: cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và chức danh chủ chốt ở thôn, làng, để họ có trách nhiệm tuyên truyền trong dân”.
Để người cận nghèo nhận thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT, cần đẩy mạnh công tác vận động thông qua việc tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng người cận nghèo và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội ở cơ sở trong tiếp thị xã hội về BHYT. Hơn nữa, người có thẻ BHYT cũng cần được hướng dẫn, tiếp cận với các dịch vụ y tế thích hợp; đồng thời, cần nâng chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến y tế cơ sở… để người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT.
|