Đợt khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi và thực trạng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em- KHHGĐ của người dân các vùng biển, đảo và ven biển do Trung tâm Thông tin và tư liệu dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) phối hợp Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện cuối năm 2010, đặt ra yêu cầu cần phải tổ chức các mô hình truyền thông và can thiệp hiệu quả, phù hợp với đặc thù của vùng biển.
|
Nhu cầu về kiến thức chăm sóc SKSS-KHHGĐ, sức khỏe bà mẹ - trẻ em là rất lớn, đặc biệt với nhóm đối tượng vị thành niên và thanh niên.
- Trong ảnh: Chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên tại Trạm y tế xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Ảnh: T.H
|
* Nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: “Đợt khảo sát là cơ sở khoa học để xây dựng các mô hình, giải pháp can thiệp hiệu quả đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh từ nay đến năm 2020”.
Kết quả điều tra tại 86 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc TP Quy Nhơn và các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ và Hoài Nhơn cho thấy, phần lớn những người được khảo sát coi số con hợp lý của mỗi cặp vợ chồng là 2 con. Nếu quan niệm cần có 1 con trai hoặc 1 con gái trong gia đình không có sự khác biệt là mấy (83,7% cho rằng cần có 1 con trai, 90,7% cho rằng cần có 1 con gái) thì quan niệm cần có 2 con trai có tỉ lệ cao gấp bốn lần số cần có 2 con gái (số cho rằng cần 2 con trai là 14,1% và cần 2 con gái chỉ có 3,9%). Điều này thể hiện quan niệm thích có con trai nhiều hơn con gái của người dân vùng biển, đảo và ven biển.
Sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ của người dân, kể cả phụ nữ về những kiến thức cơ bản chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ, sức khỏe bà mẹ, trẻ em dẫn đến tình trạng phụ nữ mang thai chưa có ý thức tự giác đi khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm phòng, cũng như vấn đề chăm sóc thai nhi, bồi dưỡng sức khỏe thai phụ…
Phần lớn những người được phỏng vấn nhận thức được rằng cần đi khám thai hơn 2 lần (83,7%). Tỉ lệ này khá đồng đều giữa các địa bàn, trừ huyện Phù Mỹ phần lớn phụ nữ cho rằng chỉ cần khám thai 2 lần, thậm chí chỉ 1 lần trong suốt quá trình thai kỳ. Có đến 21,7% số người được phỏng vấn ở huyện Tuy Phước không biết cần phải tiêm vắc xin gì cho phụ nữ mang thai. Vẫn còn 3% số người được khảo sát ở các địa bàn cho rằng cần sử dụng kháng sinh khi mang thai. Việc phát hiện, xử trí sớm những dấu hiệu có liên quan đến tai biến thai sản còn nhiều hạn chế. Số người được khảo sát nhận biết được những dấu hiệu bất thường, biến chứng khi mang thai không cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản, cũng như việc xử lý kịp thời đối với sức khỏe bà mẹ và em bé trong trường hợp có vấn đề…
Phần lớn những người được khảo sát không biết rằng khi vợ chồng lấy nhau sau một năm không có con là do ai (tỉ lệ chung 42,4%, cao nhất là ở huyện Tuy Phước). Nếu so sánh nguyên nhân giữa vợ và chồng thì tỉ lệ cho rằng do chồng cao hơn do vợ (tương ứng 3,5% và 1%) và 1/3 trong số đó không biết nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này.
* Cần nhiều mô hình can thiệp
Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác truyền thông về DS, SKSS và KHHGĐ đã được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Hiện, các xã vùng biển đã triển khai thực hiện nhiều mô hình can thiệp về giáo dục SKSS, KHHGĐ; trong đó, mô hình truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi ở nhóm vị thành niên và thanh niên có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, với đặc thù vùng biển nên hoạt động truyền thông gặp rất nhiều khó khăn và chưa tới được đông đảo người dân.
Nhiều ý kiến trong đợt khảo sát khẳng định, nhu cầu về kiến thức chăm sóc SKSS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em là rất lớn, đặc biệt với nhóm đối tượng vị thành niên và thanh niên. Thực tế trên cộng với các kết quả khảo sát đặt ra yêu cầu cần phải tổ chức các mô hình truyền thông và can thiệp hiệu quả.
Đối với những người thường xuyên di chuyển ở các xã vùng biển, nhóm nghiên cứu đã đề xuất tổ chức đội lưu động y tế-KHHGĐ triển khai tại các xã ven biển và địa bàn có đông người lao động nhập cư làm việc tại khu kinh tế, cảng biển, âu thuyền, cảng cá chưa đủ điều kiện hoặc chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ thường xuyên và có chất lượng. Ngoài ra, cần thực hiện song song mô hình cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ về chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người làm việc trên biển trước khi xuất bến đi biển dài ngày. Đối với phụ nữ vùng biển, cần cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai do tác động của môi trường biển cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn và bà mẹ mang thai.
Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Các mô hình can thiệp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS, KHHGĐ ở các vùng biển có thể không giống nhau. Khi thiết kế và triển khai các mô hình cần tính đến sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như sự khác biệt về kiến thức, thái độ, hành vi của người dân”.
|