Giờ thực hành tại các xưởng của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn không những giúp học viên nâng cao tay nghề mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực cho đời sống, sản xuất…
* Dành nhiều thời gian ở xưởng
Theo ông Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng của trường, trước yêu cầu đào tạo lao động có tay nghề cao và phù hợp với thực tế nhằm nâng cao tay nghề, kinh nghiệm cho sinh viên sau khi ra nghề, nhà trường đã dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành. Trong những giờ thực hành, sinh viên được tham gia sản xuất một số sản phẩm do đối tác đặt hàng với nhà trường nên các xưởng tràn ngập màu áo xanh công nhân, không khí lao động khẩn trương như trong nhà máy.
|
Thầy Mạc Thanh Lâm cùng học trò đang chế tạo máy quạt giê lúa. |
Nguyễn Thanh Sang, sinh viên năm 2 nghề hàn (khoa Cơ khí), cho biết: “Học lý thuyết còn có sinh viên bỏ tiết chứ đến giờ thực hành thì hầu như đầy đủ; mọi người say sưa làm việc, thậm chí quá giờ, giáo viên phải vào tắt điện, đóng cửa, sinh viên mới chịu ra về. Nhiều sinh viên không phải giờ thực hành của mình cũng lên xưởng để thực hành “ké”. Do vậy thời gian bọn em ở xưởng thực hành chiếm phần lớn”.
* Làm ra sản phẩm từ thực tế
Tại xưởng thực hành của khoa Điện, một nhóm sinh viên đang hoàn thành các tủ điện, nhóm khác đang chế tạo máy sản xuất đá cây, tranh thủ quấn các motor điện hay sản xuất đồ dùng dạy học... Những sản phẩm này do các doanh nghiệp đặt hàng cho sinh viên sản xuất.
Tại xưởng thực hành của khoa Cơ khí, một số sinh viên đang thực hành theo giờ học; số khác lại sản xuất cầu thang, giường tầng, cổng ngõ, tường rào... theo đơn đặt hàng. Thầy Mạc Thanh Lâm (khoa Cơ khí) cùng các học trò đang chế tạo chiếc quạt giê lúa xuất phát từ ý tưởng của thầy khi về thăm nhà ở xã Canh Hiển (Vân Canh), thấy cha mẹ đang giê lúa bằng quạt tay. Thầy Lâm cho hay, giá thành của sản phẩm này tương đối thấp nên nếu có người đặt hàng, thầy trò sẽ sản xuất hàng loạt.
|
Máy tráng bánh tráng do thầy Nguyễn Bá Thu cùng học trò sáng tạo đã được nhiều khách hàng đặt mua. |
Thầy Nguyễn Bá Thu, khoa Cơ khí, cũng đang cùng các học trò chế tạo chiếc máy tráng bánh tráng thứ 8 hoạt động bằng điện. Thầy Thu quê ở Phù Cát, trông thấy các làng nghề bánh tráng ở quê thầy chỉ làm nghề bằng phương pháp thủ công, hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó, ngoài thị trường đã có máy tráng bánh tráng hoạt động bằng củi và trấu rất hiệu quả nhưng giá thành khá cao nên nông dân không mua được. Máy do thầy Thu và các học trò sản xuất có công suất mỗi ngày tráng hơn 200 kg gạo (phương pháp thủ công chỉ tráng chừng 10kg gạo/lò/ngày). Máy tráng bánh tráng hoạt động bằng điện đầu tiên ra đời khá tiện lợi nên đã có nhiều khách ở huyện Tây Sơn, Tuy Phước và tỉnh Khánh Hòa đến đặt hàng.
Không dừng lại ở đó, thầy Thu cùng các học trò nghiên cứu, chế tạo ra máy sấy bánh tráng với công suất 3.000 bánh trong 4 giờ, chất lượng bánh sau khi sấy khô đều như phơi ngoài nắng. Nhờ vậy, mùa mưa các hộ làm nghề tráng bánh vẫn có thể hoạt động bình thường.
Thầy Trương Văn Nga, khoa Cơ khí, sau nhiều năm đứng trên bục giảng thấy chiếc bảng viết gắn cố định vào tường có khi bất lợi, nhất là đối với giáo viên có người cao, người thấp. Thầy Nga cùng học trò đã làm ra chiếc bảng viết đa năng, có thể dịch chuyển theo yêu cầu của giáo viên. Lúc đầu chiếc bảng đa năng này làm ra chỉ để phục vụ cho việc giảng dạy tại trường, sau do nhiều trường biết đến đã liên hệ đặt hàng nên thầy Nga và học trò đã sản xuất hàng loạt…
Và cứ thế, xuất phát từ thực tế đời sống, sản xuất, sản phẩm do thầy và trò Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn lại liên tục được làm mới.
|