Tiết kiệm giúp nhau vượt khó
18:58', 23/4/ 2011 (GMT+7)

Với mục đích tương trợ nhau trong khó khăn và giúp nhau phát triển kinh tế, những tổ, nhóm tiết kiệm của phụ nữ đã ra đời và được duy trì bền lâu với nhiều hình thức phong phú. Từ đây, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của phụ nữ được phát huy.

* Chia sẻ để đoàn kết

Tuy thành lập mới gần 2 năm nhưng CLB Phụ nữ đoàn kết ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (Tây Sơn), đã hoạt động rất hiệu quả; được phụ nữ địa phương ủng hộ và chính quyền ghi nhận. Theo chị Trần Thị Hòa, Chủ nhiệm CLB, CLB ra đời nhằm gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ trong thôn có hoàn cảnh khó khăn và tương trợ nhau phát triển kinh tế. Với mục đích thiết thực như vậy nên ngay từ đầu, đã có 20 chị trong thôn đăng ký tham gia và từ đó đến nay các chị vẫn sinh hoạt đều đặn. Bên cạnh việc giúp nhau ngày công, các thành viên CLB đã đóng góp 10.000 đồng/tháng/người gây quỹ, nhằm luân phiên cho những thành viên có khó khăn đột xuất vay để xoay xở cuộc sống gia đình, hoặc làm vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi...

 

Chị Trần Thị Hòa (bên phải), Chủ nhiệm CLB Phụ nữ đoàn kết thôn Trà Sơn, vận động thành viên trong CLB giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn. nh: Ngọc Hà

 

Vụ lúa hè năm ngoái, chị Nguyễn Thị Liên vừa sinh con xong, không thuê được người để cắt 2 sào lúa chín, 20 thành viên trong CLB đã đến giúp chị Liên thu hoạch lúa. Hay trong vụ Đông Xuân năm ngoái, chị Đỗ Thị Ánh cũng gặp khó khăn trong việc tìm công dặm cho 3 sào ruộng bị trôi giống do mưa lụt, đã được các chị trong CLB đến giúp kịp thời. Còn chị Nguyễn Thị Đào, năm ngoái bị thiệt hại vụ dưa Tết do thời tiết, đã được CLB cho mượn tiền quỹ để đầu tư vụ tiếp theo. Vụ dưa năm nay được mùa, chị Đào phấn khởi, nói: “Tôi thấy CLB hoạt động rất tốt, đoàn kết giúp đỡ nhau khi khó khăn và xoay vòng vốn cho mượn. Vụ dưa năm ngoái tôi mất trắng 80 triệu đồng, nhờ có CLB cho mượn 10 triệu đồng nên tôi cũng có thêm vốn để phát triển. Giờ việc làm ăn đã ổn định, năm nay, tôi thu lãi được 160 triệu đồng”.

Không chỉ ở nông thôn hay ở những địa bàn khó khăn, mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau còn được nhân rộng và phát huy hiệu quả ở thành phố. Như, ở chi hội phụ nữ khu vực 5, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), từ 4 năm nay vẫn duy trì 6 nhóm phụ nữ tiết kiệm ở 6 tổ phụ nữ. Hình thức hoạt động của các nhóm này là hàng tháng mỗi chị đóng góp 300-500 ngàn đồng và cho một thành viên trong nhóm mượn. Những năm qua, đã có 333 lượt chị tham gia các nhóm với tổng số tiền tiết kiệm và quay vòng cho mượn lên đến 1,4 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị Miền, Chi hội trưởng phụ nữ, vui vẻ kể về các nhóm tiết kiệm của chi hội mình như vậy, rồi cho biết thêm: “Bình thường, thứ tự vay vốn hàng tháng là theo bốc thăm. Tuy nhiên, ai có việc cần gấp thì được ưu tiên cho mượn trước. Như tôi, đúng ra đến tháng 12 mới được nhận tiền, nhưng vì nhà có giỗ nên tháng 3 vừa rồi đã được mượn trước số tiền là 7,5 triệu đồng”.

Không những thế, chi hội còn vận động chị em hội viên tiết kiệm dưới hình thức nuôi “heo đất nghĩa tình”. Từ những con heo đất này, nhiều năm qua, chi hội đã thu được gần 18 triệu đồng, cho 14 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi với thời gian hoàn vốn là một năm.

Hiểu và chia sẻ với nhau, nên chị em hay tương trợ nhau trong cuộc sống lẫn công việc. Với những chị làm nghề kinh doanh, đồng vốn đóng vai trò quan trọng để phát triển nghề nghiệp, thế nên chẳng có gì lạ nếu các hình thức giúp nhau này có mặt ở hầu hết các CLB nữ tiểu thương, nữ doanh nhân. CLB nữ tiểu thương xã Tây Bình (Tây Sơn) có gần 50 thành viên đã góp quỹ được gần 70 triệu đồng cho các chị trong CLB vay với lãi suất thấp (1%/tháng). Số tiền lãi, các chị dùng làm chi phí để thăm hỏi các thành viên CLB khi ốm đau, hoạn nạn và chi phí sinh hoạt CLB. Còn với CLB nữ tiểu thương thị trấn Phù Mỹ, chị Hồ Thị Danh, Chủ nhiệm CLB cho biết, tuy thành lập mới gần 1 năm nhưng cũng huy động được 4 triệu đồng, cho 8 chị vay làm vốn buôn bán.

* Cùng nhau vượt khó

Tinh thần của các nhóm tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm đoàn kết của phụ nữ là huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong chị em để xoay vòng giúp nhau giải quyết khó khăn. Như tại Quy Nhơn, hiện toàn thành phố có 375 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 5.130 thành viên. Trong năm 2010, tổng số tiền các chị tiết kiệm và luân phiên cho nhau mượn là trên 4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Quy Nhơn còn có 137 nhóm tiết kiệm mùa xuân, tiết kiệm được 1,2 tỉ đồng, giúp cho 356 hộ thoát nghèo; trong đó, có 246 hộ do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ phường Đống Đa, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Nhơn Hội được đánh giá là làm tốt công tác này.

Cho đến nay, cả tỉnh đang duy trì trên 700 tổ phụ nữ tiết kiệm đoàn kết, tiết kiệm tín dụng, với gần 25.000 thành viên; số tiền huy động năm 2010 là 9,5 tỉ đồng. Nguồn vốn trên đã tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều thành viên, phụ nữ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng, đây cũng là một kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho phụ nữ để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Chính vì thế, mô hình này đã và đang thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Chị Từ Thị Hữu Ánh, một trong những thành viên tích cực của CLB phụ nữ đoàn kết thôn Trà Sơn, cho biết: “Từ khi tham gia các hoạt động của CLB, giúp đỡ được nhiều chị trong thôn vượt qua khó khăn, tôi cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn và có nhiều niềm vui hơn”. Còn chị Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tây Bình (Tây Sơn) thì tỏ ra tâm đắc với hoạt động trợ vốn cho nhau của các thành viên CLB nữ tiểu thương xã: “Chị em giúp nhau kinh nghiệm làm ăn và đồng vốn, từ đó đã tạo sự gắn kết, chia sẻ với nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống”.

  • Ng. Sương - Ngọc Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm 16 hồ sơ đăng ký làm bà mẹ SOS   (23/04/2011)
Hơn 98 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn   (23/04/2011)
Phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo   (23/04/2011)
Khai trương Văn phòng tổng đại lý tại An Nhơn  (23/04/2011)
Trên 1,1 tỉ đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản   (22/04/2011)
Thống kê được 145 liệt sĩ là TNXP   (22/04/2011)
Đình chỉ lưu hành 3 loại thuốc viên không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (22/04/2011)
Gần 3.400 hồ sơ ĐKDT nộp tại Sở GD-ĐT và ĐH Quy Nhơn   (22/04/2011)
Bài toán chất lượng   (22/04/2011)
Từ thực tế đến sản phẩm   (22/04/2011)
Sân bay Phù Cát sẽ được khử độc dioxin  (22/04/2011)
“Trả lại nụ cười” cho gần 1.700 trẻ em  (21/04/2011)
Cần đa dạng các mô hình can thiệp  (21/04/2011)
Tiếp tục hợp đồng 66 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã  (21/04/2011)
Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Nông dân giải phóng miền Nam  (21/04/2011)