Học sinh “đi bụi”
21:29', 23/4/ 2011 (GMT+7)

Chán học, mê game, bị cha mẹ la mắng… là những lý do chính để các cô cậu học sinh bỏ nhà “đi bụi”. Không còn là vài trường hợp đơn lẻ, tình trạng học sinh bỏ nhà “đi bụi” đang trở thành một hiện tượng xã hội đáng lưu tâm.

* Thích là... đi

Thời gian gần đây, ở huyện Hoài Nhơn xôn xao nhiều vụ học sinh “mất tích”. Đầu tiên là vụ em Trương Phùng Hiểu, học sinh lớp 8, Trường THCS Hoài Phú, mất tích từ ngày 22.2; đến ngày 17.3, gia đình mới tìm được Hiểu đang ở Quảng Nam và đưa về nhà an toàn.

 

Nguyễn Văn Nam giữa vòng tay gia đình trong ngày trở về.Ảnh: Bảo Sương

 

Hiểu và anh trai từ nhỏ đã sống cùng bà nội ở xóm 14, thôn Lương Thọ 3, xã Hoài Phú. Cha mẹ của các em làm rẫy ở Tây Nguyên. Hôm tôi đến nhà, bà Nguyễn Thị Sáu, bà nội của Hiểu vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà bảo, tuy sống xa cha mẹ, nhưng hai anh em Hiểu vẫn được chăm sóc rất kỹ từ miếng ăn giấc ngủ. Chỉ có điều, năm nay bà đã 67 tuổi, già rồi nên không thể “theo kịp” các cháu. Bà chẳng thể quản lý được giờ giấc học tập, sinh hoạt của cháu. Khi phát hiện Hiểu mê chơi game, bà giận lắm. Trước ngày Hiểu bỏ đi, bà đã đánh cháu mấy roi vì ham chơi game, trốn học. Bà kể chuyện mà nước mắt cứ ứa ra…

Ngày 17.3, khi gia đình Hiểu đang vui mừng khôn xiết vì tìm được con, thì cũng là ngày em Trần Thị Ngọc Quyên, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Tam Quan thường trú ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn bỏ nhà đi. Trong 3 tuần, cha của em Quyên- ông Trần Ngọc Long, cùng gia đình và lực lượng công an vào cuộc tìm kiếm; đồng thời, nhờ báo chí thông báo tìm người thân. Nhờ đọc tin trên báo, bà Nguyễn Xuân Thành, chủ Khách sạn Nam Phương (đường Trần Anh Tông, TP Quy Nhơn), mới gọi về cho gia đình báo tin tức về Quyên. Bà Thành là người đã cho Quyên ở nhờ từ ngày mới bước chân vào Quy Nhơn. Bà bảo, nếu không có một người bạn tốt bụng của bà bắt gặp Quyên lang thang gần khu vực bến xe giữa đêm mưa, không biết cô bé tuổi vừa tròn 17 này sẽ như thế nào. Nguyên nhân của cuộc bỏ “đi bụi” này của Quyên xuất phát từ việc kết bạn qua chat trên mạng; nhiều bạn gái trẻ cũng đã bị lừa phỉnh qua hình thức này.

Không được may mắn như Hiểu, Quyên, phút nông nổi bỏ nhà đi của em Nguyễn Văn Nam, ở thôn An Dưỡng 1, xã Hoài Tân đã trả một cái giá khá đắt. Nam bỏ nhà đi từ ngày 6.9.2010, để lại cho gia đình một bức thư với nội dung: “Ba mẹ đừng tìm con, con không học nổi nữa nên đi tìm việc làm, khi nào có việc làm ổn định con sẽ báo về cho cha mẹ”.

Trước khi bỏ nhà đi, Nam là học sinh lớp 9, Trường THCS Hoài Tân. Vốn là một cậu bé rất hiền, nhưng do quá ghiền game, cha mẹ thì lo làm ăn không quan tâm nên em học hành ngày càng sa sút. Ngán học, mê game nhưng không có tiền, nên sau ngày khai giảng năm học 2010-2011, Nam được Vấn, một thanh niên được xếp hạng “chậm tiến” trong thôn rủ lên Gia Lai làm ăn. Nam và Vấn đón xe lên Gia Lai và khi vừa xuống xe, đang lớ ngớ thì gặp một người chạy xe ôm sà tới ngỏ ý giúp đỡ rồi chở thẳng vào một căn nhà sâu trong các rẫy cà phê. Suốt 5 tháng trời sau đó, Nam bị giam cầm trong khu trại được rào kín bằng lưới sắt B40 cùng đàn chó dữ canh giữ. Công việc dồn dập từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, không chỉ lao động vất vả, Nam và nhiều người khác cũng không được ra ngoài, không được hỏi tiền công, không được sử dụng điện thoại; nếu vi phạm, lập tức sẽ bị nhừ đòn.

Rồi đến một ngày cuối tháng 1.2011, sau nhiều lần trốn không thành, Nam đã trốn được ra ngoài, may mắn gặp một người tốt bụng dẫn về cho ăn uống, cho tiền về nhà. Hiện nay, Nam ở nhà phụ hồ cùng anh trai.

 

Bà Nguyễn Thị Sáu trong những ngày ngóng tin cháu nội.Ảnh: N.V.Trang

 

* Để gia đình mãi là tổ ấm

Đến thời điểm này, vẫn chưa có một thống kê chính thức về số vụ học sinh bỏ nhà đi, nhưng có thể thấy, hiện tượng này ngày càng phổ biến. Chị Bùi Trần Hồng Hương, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn Tuổi thanh xuân (Tỉnh Đoàn), cho biết: “Trong các cuộc gọi đến Trung tâm nhờ tư vấn, có không ít trường hợp cha mẹ rất bối rối khi con bỏ nhà đi nhiều lần, hay dọa sẽ “đi bụi”. Trong các trường hợp đó, chúng tôi nhận thấy khoảng cách giữa các em và gia đình là rất lớn”.

Chị Hương kể về trường hợp của một nữ sinh đang học lớp 9 lâu lâu lại theo bạn bè bỏ nhà đi. Mỗi lần như thế, gia đình phải cất công tìm 3-4 ngày mới thấy. Gia đình đã tìm mọi cách nhưng vẫn không giữ chân được cô bé. Thậm chí, người cha phải trói chân, nhốt em trong nhà; nhưng em vẫn trốn đi cùng bạn bè. Cùng đường, gia đình quyết định tìm trường giáo dưỡng để gửi con.

“Học sinh ở lứa tuổi học cấp 2 thường “khó bảo” hơn học sinh cấp 3. Bởi, ở độ tuổi 12-15 là thời điểm các em có những biến đổi lớn về tâm sinh lý. Nếu gia đình chỉ “cung ứng” về vật chất mà thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần sẽ tạo nên khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các em cũng có xu hướng tách rời gia đình, thích nghe lời bè bạn hơn cha mẹ, thích chống đối để khẳng định cái tôi của mình. Mâu thuẫn ngày càng lớn, các em hay tìm đến cách bỏ nhà đi. Ở một phương diện khác, “đi bụi” cũng là một cách gây áp lực với gia đình để thỏa mãn nhu cầu đối với các em quen được nuông chiều. Để hạn chế hiện tượng các em rủ nhau “đi bụi”, phụ huynh phải gần gũi, phát hiện sớm những biểu hiện khác thường, có biện pháp can thiệp thích hợp, nghiêng về phân tích, giảng giải chứ không nên ra lệnh kiểu áp đặt hay dùng bạo lực”- chị Hương phân tích.

*

Trong quá trình thu thập tư liệu cho bài viết này, tôi đã “nhặt” được một câu chuyện khá đặc biệt. Một lần, tình cờ người mẹ phát hiện đứa con gái học lớp 8 của mình đang viết “thư tình”. Tra khảo một hồi, chị bực tức lấy kéo xẻo mái tóc dài của con. Cô bé vốn đã bướng bỉnh, càng ương ngạnh, cứ để nguyên đầu tóc nham nhở ra đường, như một sự thách thức. Người mẹ suốt ngày buôn bán ở chợ, vẫn tưởng con của mình còn bé lắm.

Và, thật buồn là thực tế vẫn còn rất, rất nhiều những ông cha, bà mẹ phản ứng một cách tiêu cực như thế khi phát hiện con mình không ngoan, hiền như mình nghĩ…  

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiết kiệm giúp nhau vượt khó  (23/04/2011)
Thêm 16 hồ sơ đăng ký làm bà mẹ SOS   (23/04/2011)
Hơn 98 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn   (23/04/2011)
Phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo   (23/04/2011)
Khai trương Văn phòng tổng đại lý tại An Nhơn  (23/04/2011)
Trên 1,1 tỉ đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản   (22/04/2011)
Thống kê được 145 liệt sĩ là TNXP   (22/04/2011)
Đình chỉ lưu hành 3 loại thuốc viên không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (22/04/2011)
Gần 3.400 hồ sơ ĐKDT nộp tại Sở GD-ĐT và ĐH Quy Nhơn   (22/04/2011)
Bài toán chất lượng   (22/04/2011)
Từ thực tế đến sản phẩm   (22/04/2011)
Sân bay Phù Cát sẽ được khử độc dioxin  (22/04/2011)
“Trả lại nụ cười” cho gần 1.700 trẻ em  (21/04/2011)
Cần đa dạng các mô hình can thiệp  (21/04/2011)
Tiếp tục hợp đồng 66 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã  (21/04/2011)