Từ ca bệnh đầu tiên đến nay dịch sốt phát ban đã xảy ra tại 22 trường học trong tỉnh và đã có một số trường hợp nặng, phải nhập viện cấp cứu.
* Biến chứng viêm não
Khoảng 2 tháng nay, các cơ sở y tế trong tỉnh ghi nhận khá đông bệnh nhân đến viện khám và điều trị bệnh sốt phát ban. Đặc biệt, đã xuất hiện một số trường hợp mắc sốt phát ban nặng, có biểu hiện hôn mê, co giật. Chỉ tính riêng tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh, đến nay đã có 7 trường hợp trẻ nhập viện hoặc chuyển viện trong tình trạng hôn mê và co giật do sốt phát ban.
|
Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu và điều trị do bệnh sốt phát ban. |
Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: “Hiện khoa đang điều trị 4 bệnh nhân (đều là trẻ ở độ tuổi tiểu học và THCS), có trường hợp vừa được thôi thở máy. Những bệnh nhân này nhập viện hoặc chuyển viện trong tình trạng hôn mê, co giật nguy hiểm. Mặc dù đã có trường hợp bắt đầu tỉnh hơn nhưng các phản xạ còn rất hạn chế”.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có biểu hiện sốt phát ban, người bệnh cần tránh tiếp xúc chỗ đông người, nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang, hoặc nếu có điều kiện thì tốt nhất là cách ly một thời gian ngắn để phòng bệnh và tránh lây lan cho người khác. Bệnh Rubella hiện chưa có thuốc điều trị. Cách chữa chủ yếu vẫn là cho bệnh nhân nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và dùng các thuốc nâng cao thể trạng, đặc biệt là vitamine để tăng khả năng chống đỡ của cơ thể. Người dân cần chủ động tiêm vắc-xin để phòng bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Vắc-xin phối hợp phòng sởi - quai bị - Rubella là 112.500 đồng/mũi. Tiêm 1 mũi vắc-xin. |
Có mặt tại BVĐK tỉnh ngày 25.4, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân Hồ Hùng T. (9 tuổi, ở thôn Tân An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) lên cơn co giật mạnh, ngoài hai người đàn ông là bác ruột và ba bệnh nhân, còn phải có sự trợ giúp từ 3 điều dưỡng của khoa mới có thể giữ được cơn quẫy đạp của T. Anh Hồ Hùng Cường, bác ruột của T. cho biết: “Từ sáng đến giờ, cháu liên tục bị hôn mê, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, làm cả nhà lo đứng lo ngồi!”. Anh Cường kể: 3 hôm trước, cháu bị hâm hấp sốt, tưởng con bị cảm nên mẹ cháu mua thuốc cảm về cho con uống. Đến chiều 23.4, cháu đi hái ớt cùng mẹ, nhưng đến 4 giờ 30 phút sáng cháu bị sốt, hôn mê, vào Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, thì được chuyển viện vào phòng cấp cứu của khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Các bác sĩ của khoa chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não do sốt phát ban và lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng nằm trong phòng cấp cứu của khoa Nhi còn có 3 bệnh nhân nhi khác hôn mê và co giật do sốt phát ban. Bệnh nhân Nguyễn Hữu T., 14 tuổi, ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, cũng được chuyển viện từ BVĐK khu vực Bồng Sơn ngày 23.4. Sau 2 ngày cấp cứu, các nốt ban đỏ của T. nổi khắp toàn thân, đặc biệt là vùng mặt. Mẹ của T. cho biết: “Sau một ngày cấp cứu, T. đã hơi tỉnh và nhận biết lơ mơ, nhưng ngay lập tức lại tiếp tục hôn mê, phải bơm sữa qua dây truyền”.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: Thời tiết mùa Đông Xuân ẩm thuận lợi cho vi rút sinh sôi, phát triển nên dịch sốt phát ban bắt đầu xuất hiện từ đầu năm. Trong 7 ca biến chứng viêm não nói trên đã lấy mẫu huyết thanh và dịch ngoáy họng xét nghiệm 3 ca, kết quả 1 ca dương tính với Rubella, 2 ca còn lại chưa có kết quả.
|
Số trường hợp mắc sốt phát ban nặng, hôn mê, co giật xuất hiện ngày càng nhiều.
- Trong ảnh: Người nhà và điều dưỡng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, phải giữ chặt tay và chân khi bệnh nhân Hồ Hùng T. lên cơn co giật. |
* Lây lan trong trường học
Nếu như thời điểm này những năm trước, dịch sốt phát ban thường bùng phát mạnh, gia tăng ồ ạt trong thời gian ngắn, đối tượng mắc tập trung chủ yếu ở trẻ em thì năm nay, dịch sốt phát ban đã xuất hiện rải rác từ tháng 2 và gia tăng mạnh trong khoảng 1 tháng nay. Đến thời điểm này, dịch cũng chưa có xu hướng chững lại và số người lớn và trẻ lớn bị sốt phát ban đến khám và nhập viện điều trị tại các bệnh viện chiếm tỉ lệ cao.
Từ ca bệnh đầu tiên là một giáo viên Trường tiểu học Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, mắc bệnh, đến nay Bình Định có gần 1.000 ca mắc sốt phát ban. Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các ổ dịch đã xuất hiện tại TP Quy Nhơn và các huyện: Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, Tây Sơn. Trong đó, trường học là môi trường thuận lợi để dịch lây lan nhanh. Đến nay, Bình Định đã có 22 trường học có học sinh mắc sốt phát ban; tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn với gần 800 ca, cụ thể: Trường tiểu học Ngô Mây 263 ca, THCS Ngô Mây 117 ca, THPT Chu Văn An 90 ca, Trường tiểu học Hoàng Quốc Việt 73 ca… Hiện, một số trường học ở TP Quy Nhơn vẫn còn nhiều học sinh mắc bệnh, như THCS Ngô Mây, Tiểu học Ngô Mây, Tiểu học Quang Trung, THCS Lê Lợi, THPT Trưng Vương.
Người nhiễm bệnh sốt phát ban do Rubella có triệu chứng lâm sàng như nhiễm sởi; nhưng đặc biệt gây nguy hiểm đối với bà mẹ đang mang thai, nhất là mang thai ở giai đoạn đầu. Nó có thể gây bệnh cho phôi thai và những ảnh hưởng của phôi nhiễm bệnh sẽ để lại di chứng cho trẻ sau khi sinh. |
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã lấy 65 mẫu huyết thanh và dịch ngoáy họng để làm xét nghiệm, kết quả có 43 mẫu dương tính với Rubella, kết quả xét nghiệm sởi chưa có. Phân tích của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở thể nhẹ với biểu hiện sốt, phát ban toàn thân.
Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trong thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng, đặc biệt là trường học; giám sát ca bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch, xử lý dịch; khi phát hiện có ca bệnh thì tiến hành lấy mẫu theo quy định để phát hiện tác nhân gây bệnh, cách ly bệnh nhân, theo dõi người tiếp xúc và xử lý theo đúng quy trình, tránh không để dịch lan rộng.
Hiện tại, số ca bệnh không còn tăng mạnh như trước, nhưng dịch xảy ra trong trường học và lây qua đường hô hấp, nên việc cách ly bệnh nhân rất khó khăn. Đặc biệt, khả năng số ca mắc bệnh sẽ còn tiếp tục tăng ở các trường, nguy cơ dịch lây lan nhanh trong cộng đồng là không tránh khỏi. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục có công văn đề nghị các địa phương đã xảy ra dịch tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến ca bệnh tại ổ dịch, đẩy mạnh giám sát, phát hiện bệnh nhân mới ở các trường học và báo cáo dịch hàng ngày.
|