KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH THAM GIA DỰ ÁN GPOBA:
Theo không nổi vì... “mất gốc”
23:22', 25/4/ 2011 (GMT+7)

Dự án Hỗ trợ học sinh (HS) nghèo dựa vào kết quả đầu ra (GPOBA), do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được triển khai tại 16 trường THPT công lập tự chủ trong tỉnh, từ tháng 8.2010. HS chỉ cần đạt kết quả học tập trung bình, hạnh kiểm loại khá trở lên sẽ được hỗ trợ 45 USD/học kỳ. Thế nhưng, tại một số trường, HS tham gia Dự án không thể đáp ứng yêu cầu vì học lực quá kém…

* Hỗ trợ gần 2 triệu đồng/năm

Trường THPT An Lương (Phù Mỹ) có 51 HS lớp 10 hệ B tham gia Dự án Hỗ trợ HS nghèo dựa vào kết quả đầu ra (DA). Kết thúc học kỳ I chỉ có 16 HS đạt điểm tổng kết trên 5,0 và hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, đạt yêu cầu của tiêu chí. Số HS còn lại đều xếp loại yếu. Ông Hà Văn Định, Hiệu trưởng nhà trường, phân tích: “Nguyên nhân chính là do HS học quá yếu, mất gốc từ dưới nên khi vào lớp 10 không theo nổi chương trình”.

 

Chất lượng “đầu vào” thấp, HS không theo nổi chương trình học nên nghỉ học đang là thực trạng của một số trường THPT công lập tự chủ.

- Trong ảnh: HS Trường THPT Trần Quang Diệu đang thi học kỳ II.

 

Chất lượng học tập của HS tham gia DA ở Trường THPT Trần Quang Diệu (Hoài Ân) lại càng thấp, khi chỉ 12/66 HS đạt học lực trung bình (tỉ lệ 18,2%), còn lại đều yếu, kém; nhiều HS điểm tổng kết chỉ đạt 2,8-3,0. Theo ông Nguyễn Xuân Cấp, Hiệu trưởng, với chất lượng đầu vào của HS hệ B hầu như chỉ xét tuyển thì việc HS không theo nổi chương trình, học yếu, bỏ học là tất yếu. Bởi vậy, HS dù đã đăng ký tham gia DA, biết rõ quyền lợi mình sẽ hưởng, nhưng vẫn nghỉ. Giáo viên Phạm Xuân Thêm, thư ký DA của trường, nói thêm: “Mỗi khi nghe thông tin có HS nghỉ học 1-2 ngày, tôi lập tức xuống nhà động viên vì chỉ đạt học lực trung bình là được hưởng trợ cấp một năm gần 2 triệu đồng. Vậy mà, 5 HS tham gia DA đã bỏ học…”.

Tại 2 trường THPT Nguyễn Diêu (Tuy Phước) và THPT Tây Sơn (Tây Sơn) kết quả cũng chẳng khả quan hơn, khi chỉ đạt tỉ lệ 21,4% và 31,4% điểm tổng kết  từ 5,0 trở lên. Các trường THPT khác như: Bình Dương (Phù Mỹ), Ngô Mây (Phù Cát), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hoài Ân), Phan Bội Châu, Tam Quan (Hoài Nhơn), Nguyễn Trường Tộ (An Nhơn)…, tỉ lệ HS đạt tiêu chí DA từ 54,7%-75,3%. Chỉ có 3 trường: THPT số 2 Tuy Phước, THPT Nguyễn Thái Học và THPT Hòa Bình có tỉ lệ HS đạt tiêu chí đầu ra cao, từ 83,1% đến 90,7%.

Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Mức hỗ trợ dựa vào số HS đạt tiêu chí đầu ra. Tiêu chí đầu ra trên 96-98% thì giải ngân 100%; nếu chỉ 90% thì giải ngân 92%; còn từ 50% đến dưới 90% HS đạt tiêu chí đầu ra thì trường sẽ bị đình chỉ DA để đánh giá tính hiệu quả và điều chỉnh. Khi đó, không chỉ HS không đạt mà cả HS đã đạt tiêu chí cũng không được giải ngân”. Hiện mới có 697/1.161 HS thuộc 16 trường THPT tham gia DA được giải ngân với số tiền trên 32.000 USD; số HS còn lại phải chờ kết quả học tập cuối năm.

* HS học yếu, bỏ học - bài toán cần lời giải

Học yếu, dẫn đến bỏ học là thực trạng chung của các trường THPT công lập tự chủ do chất lượng đầu vào của HS quá thấp. “HS hệ B hầu như không sàng lọc, có những em thi chỉ đạt điểm 5, thậm chí, không thi tuyển vào lớp 10 cũng được xét tuyển. “Mất gốc”, các em học không nổi, chán nản, bỏ học…”- cô Thân Nhị Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác khuyến học của Trường THPT An Lương, nhận xét.

28/51 HS tham gia DA có điểm thi vào lớp 10 đạt từ 0-10 điểm; một số HS có điểm đầu vào suýt soát điểm chuẩn vào hệ A, kết thúc học kỳ I vẫn là HS yếu. 

Trong 159 HS của Trường THPT An Lương bỏ học từ đầu năm học đến nay (chiếm tỉ lệ 6,65%), khối 10 hệ B có 66 em; trong đó, có 2 HS tham gia DA. Lương Minh Tuấn, HS lớp 10B2, Trường THPT An Lương, nói: “Lớp tôi chỉ có 7/36 bạn đạt học lực trung bình, còn lại là yếu hết. Đầu năm có tới 50 bạn, nhưng giờ chỉ còn 36 bạn, số còn lại đã bỏ học”.

Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh:

DA GPOBA là cơ hội cho HS nghèo có điều kiện trang trải học phí, học thêm… Qua thực tế khảo sát một số trường, tôi thấy có quá nhiều HS không đạt tiêu chí đầu ra của DA. Nhưng, tiêu chí xét chọn của DA là căn cứ vào kết quả lên lớp cuối năm (tính sau khi thi lại) nên các trường còn có thời gian ôn tập, bồi dưỡng cho HS đạt kết quả theo yêu cầu.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kết thúc học kỳ I năm học 2010-2011, cả tỉnh có 2.011 HS các cấp bỏ học. Trong đó, bậc THPT nghỉ học chiếm số lượng nhiều nhất với 1.414 HS (tỉ lệ 1,91% trên tổng số HS cùng cấp). Nguyên nhân HS bỏ học được phân tích: 72,4% do học lực yếu, kém; 11,7% do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 18,5% vì lý do khác. Các hiệu trưởng đều chung nhận định, đây là hệ quả của việc chạy theo thành tích trong nhiều năm liền.

Để giúp HS đạt học lực từ trung bình trở lên để có thể hưởng tiền từ DA, các trường đã cam kết sẽ tăng cường dạy phụ đạo thêm cho HS yếu, kém; động viên HS và gia đình quan tâm, nhắc nhở HS đi học chuyên cần hơn… Thiết nghĩ, việc cho HS đủ điều kiện lên lớp, đủ điều kiện để hưởng lợi từ DA là việc có thể thực hiện được. Tuy nhiên, sâu xa hơn, việc nâng chất lượng học tập, “học thực để thành tích thực” vẫn là một vấn đề đáng quan tâm hơn.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã lây lan rộng trong trường học  (25/04/2011)
Hỗ trợ cấp cứu sản phụ sinh con trên tàu Thống Nhất   (25/04/2011)
UBND tỉnh gặp mặt động viên, khen thưởng em Võ Duy Việt   (25/04/2011)
Hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho 60 hộ nông dân ở Tuy Phước, Hoài Ân  (24/04/2011)
Tích cực tuyên truyền công tác bầu cử  (24/04/2011)
Huấn luyện giỏi, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp  (24/04/2011)
Nhớ thời cõng gạo nuôi quân  (24/04/2011)
61.711 hộ nghèo được trợ cấp khó khăn  (24/04/2011)
Khởi động đầu năm  (24/04/2011)
Học sinh “đi bụi”  (23/04/2011)
Tiết kiệm giúp nhau vượt khó  (23/04/2011)
Thêm 16 hồ sơ đăng ký làm bà mẹ SOS   (23/04/2011)
Hơn 98 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn   (23/04/2011)
Phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo   (23/04/2011)
Khai trương Văn phòng tổng đại lý tại An Nhơn  (23/04/2011)