1. Sáng 24.4, mẹ con chị Đặng Thị Bảy (thôn Nho Lâm, xã Phước Hưng, Tuy Phước) có vẻ hồi hộp khi tham gia chương trình “Tiếp sức cho con nhà nông đến trường”. Không có chồng, cha mẹ mất sớm, chị Bảy vừa nuôi con gái vừa nuôi em gái bị bệnh tâm thần từ nhỏ. “Mỗi tháng tôi nhận được hỗ trợ 270 ngàn đồng của Nhà nước để nuôi người em bị bệnh, còn lại mẹ con, chị em rau cháo nuôi nhau. Tôi làm 2 sào ruộng, nuôi thêm vài con gà, con vịt. Mỗi ngày tiền chợ không được quá 25.000 đồng. Năm 2004, tôi cất xong cái nhà nhỏ trị giá 13 triệu đồng thì phát hiện mình bị hở van tim, từ đó không dám làm việc gì nặng nhọc…”- chị Bảy nhỏ nhẹ kể. Thương mẹ vất vả, không có tiền, con gái chị là Lê Thị Kiều Duyên, HS lớp 8 Trường THCS Phước Hưng, luôn gắng tự học ở nhà dẫu cũng muốn đi học thêm như chúng bạn. “Có được 10 triệu đồng, tôi sẽ mua thêm con gà, con vịt về nuôi tăng thêm thu nhập, trả bớt nợ nần. Mẹ con gắng dựa vào nhau, cố cho con bé Duyên học lên đại học như nó vẫn ước”- chị Bảy rân rấn nước mắt khi dự tính tương lai.
|
Con em các hộ nông dân học khá, giỏi được Công ty GreenFeed tặng quà. |
2. Cách đây bốn năm, tai nạn giao thông đã cướp mất 3 ngón trên bàn tay trái của anh Nguyễn Văn Thuyền (xã Phước Thành, Tuy Phước), kinh tế gia đình ngày càng giảm sút. Anh Thuyền không thể trở lại nghề công nhân gỗ như trước, mà chỉ làm việc nhẹ nhàng, chăn nuôi heo, gà, chăm sóc con cái để vợ chạy chợ mua bán. Anh Thuyền tâm sự: “Nhà mất đi một nguồn thu nhập chính nên nghèo hẳn; cả xóm chỉ có một mình nhà tôi thuộc hộ nghèo. Hai đứa con chuẩn bị lên cấp hai, tốn kém nhiều thêm, vợ chồng tôi chưa biết tính sao thì được Hội Nông dân thông báo được mượn tiền 10 triệu đồng. Bà xã tôi mừng lắm…”.
Chị Bảy, anh Thuyền chỉ là 2 trong số 60 hộ nông dân có con đang đi học của 2 huyện Hoài Ân, Tuy Phước được “tiếp sức” bởi Chương trình “Tiếp sức con nhà nông đến trường” do Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam đồng hành cùng với chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ. Ngoài số tiền hỗ trợ cho mượn 10 triệu đồng, Công ty GreenFeed còn hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trị giá 1,6 triệu đồng; sau 2 năm tham gia chương trình, các hộ nông dân chăn nuôi có hiệu quả, hoặc có con học giỏi, sẽ được Công ty trích thưởng bằng 20% vốn vay…
3. Chợt nghĩ, năm nào đến mùa khai giảng, tân sinh viên nhập học, không ít gia đình khó khăn lại phải chạy đôn, chạy đáo lo đủ tiền mua sách vở, quần áo cho con nhỏ, lo tiền học phí nhập học cho con đậu đại học. Những hoàn cảnh ấy không thiếu đối với những nhà nông ở tỉnh ta. Thậm chí, có những tân sinh viên phải bỏ dở giấc mơ đèn sách, hoặc chọn trường học không vừa ý cũng chỉ vì gia đình không đủ tiền nuôi ăn học.
Vậy nên, Chương trình “Tiếp sức con nhà nông đến trường” là một hoạt động xã hội đầy ý nghĩa khi mở thêm một lối thoát nghèo, mở rộng thêm cánh cửa học hành cho con em nhà nông. Em Hồ Thị Quý Thu, HS lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cảm động nói: “Tôi xin thay mặt các bạn tham gia chương trình cảm ơn chương trình. Vậy là mùa thi ĐH năm nay, cha mẹ tôi sẽ bớt lo hơn về học phí nếu tôi thi đậu ĐH…”
|