LÀNG TRẺ EM SOS QUY NHƠN:
Sẵn sàng tiếp nhận trẻ
21:39', 26/4/ 2011 (GMT+7)

Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn đã xây dựng xong, đang trong quá trình xúc tiến để có thể chính thức hoạt động vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, việc tuyển trẻ và bà mẹ cho Làng mới chỉ chiếm khoảng 1/3 so với khả năng tiếp nhận tối đa.

 

                                   Một góc Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn.

 

* Khảo sát từng gia đình trẻ mồ côi

Những ngày này, lối vào Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn hơi gập ghềnh bởi con đường đất từ quốc lộ 19 đi vào cắt ngang qua trước mặt Làng đang được khẩn trương thi công. Còn Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn thì đã cơ bản hoàn thiện với các hạng mục: 14 ngôi nhà gia đình, trường mẫu giáo, khu văn phòng làm việc, nhà khách, nhà ở cho các dì... Nhìn từ xa, Làng nổi bật trong không gian với các căn nhà màu đỏ, trên nền xanh của đồng ruộng và cây cối vùng ven Nhơn Bình. Công tác tuyển nhân viên cũng cơ bản hoàn thành, đảm bảo cho Làng chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6 tới.

Dù chuẩn bị hoạt động song thông tin về Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn hình như vẫn chưa được nhiều người biết đến. Bằng chứng là, hiện Làng mới tiếp nhận được 50 hồ sơ của trẻ gởi đến, chỉ chiếm hơn 1/3 so với số trẻ tối đa mà Làng có thể tiếp nhận. Trong khi đó, theo thống kê, cả tỉnh có đến cả ngàn trẻ em mồ côi cha mẹ và bị bỏ rơi.

Trong số hồ sơ trẻ được gởi tới làng, Vân Canh là địa phương gởi sớm nhất và có nhiều hồ sơ nhất: 12 hồ sơ, tiếp theo là Hoài Nhơn, Tuy Phước: mỗi nơi có 9 hồ sơ, còn lại là của Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Quy Nhơn. Tuy công tác tuyển trẻ đã được Làng tiến hành từ tháng 9 năm ngoái nhưng vẫn còn nhiều địa phương đến nay mới bắt đầu gởi danh sách trẻ mồ côi về Làng.

Ông Nguyễn Xuân Cương, kể về cách thức Làng tuyển trẻ: “Trên cơ sở danh sách trẻ mồ côi do Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố gởi về, chúng tôi đi đến từng hộ để khảo sát hoàn cảnh gia đình; đồng thời, thông tin cho gia đình biết về mô hình Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn, những lợi ích mà Làng mang lại cho trẻ, sau đó chờ đợi phản hồi. Nếu thân nhân trẻ đồng ý thì họ sẽ làm hồ sơ gởi đến Phòng LĐ-TB&XH huyện, sau đó Phòng gởi hồ sơ về Làng. Có thân nhân trẻ đã đến tận Làng để “mục sở thị” trước khi quyết định cho con, cháu mình vào Làng sống. Cũng có những cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH xã đến tận Làng để xem, nhằm có nhiều thông tin thực tế về tuyên truyền cho người dân có nhu cầu”.

Từ tháng 9.2010 đến nay, các nhân viên của Làng đã khảo sát tận hộ gia đình gần 300 trường hợp theo danh sách các huyện gởi về, và hiện công tác này vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, số hồ sơ của trẻ gởi đến làng chưa nhiều, có nguyên nhân từ việc nhiều người chưa biết thông tin về Làng; mặt khác, có gia đình vẫn chưa thoát khỏi những quan niệm “truyền thống” về gia đình. Một nhân viên của Làng kể lại, có gia đình rất nghèo khổ, bà nội hơn 80 tuổi nuôi hai cháu nhỏ mồ côi cha mẹ; tuy nhiên, người bà nhất quyết không cho cháu vào sống ở Làng dù đã được giải thích cặn kẽ về những lợi ích mà Làng mang lại cho trẻ mồ côi. Hoặc có trường hợp một người mẹ đơn thân nuôi 5 con nhỏ, gia đình rất khó khăn, người mẹ đã đồng ý cho 2 cháu nhỏ nhất vào Làng ở, nhưng cháu lớn 13 tuổi lại không chịu...

Mặt khác, một phần nguyên nhân lại xuất phát từ phía địa phương. Có nơi không sàng lọc, thống kê danh sách trẻ theo tiêu chuẩn phù hợp với Làng mà chỉ gởi đến danh sách trẻ mồ côi đang được nhận trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Cũng có địa phương từ đó đến nay vẫn chưa gởi danh sách trẻ mồ côi về Làng theo thông báo.

 

Những mảng xanh đầu tiên của Làng là các luống rau do các bà mẹ SOS gieo trồng, chăm bón.

 

* Sẵn sàng tiếp nhận trẻ đợt đầu

Để chuẩn bị cho công việc mới, gần một tháng nay, các bà mẹ SOS đã đến nhận công tác tại Làng. Trước đó, Làng đã tuyển chọn và cử đi học 10 ứng viên bà mẹ, bà dì SOS, sau đào tạo sàng lọc được 7 người. Trong số này, “bà mẹ” trẻ nhất là 28 tuổi và lớn nhất 41 tuổi. Tại Làng, các chị được bố trí ở trong 2 nhà, và khởi động vai trò bà mẹ SOS của mình bằng những công việc như: dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, làm vườn cũng như tìm hiểu thêm các tài liệu về chăm sóc trẻ, hồ sơ sổ sách quản lý tài chính gia đình.

Chị Nguyễn Thị Tám (quê Nhơn Thành, An Nhơn), một trong số các bà mẹ SOS  cho biết, chị chọn công việc này bởi muốn tìm niềm vui trong cuộc sống. Nói rồi, chị chỉ tay ra mảnh vườn phía sau, khoe mấy rò cải, rau muống, dền, hành xanh non lá mới do các chị trồng.

Với số lượng bà mẹ và trẻ nói trên, theo ông Nguyễn Xuân Cương, Làng sẽ tuyển chọn lại các hồ sơ trẻ cho phù hợp với tiêu chí vào Làng để tiếp nhận khoảng 35-40 trẻ, chia ra ở 5 nhà, mỗi nhà 7-8 cháu. “Theo thiết kế, mỗi nhà gia đình sẽ có 10 trẻ, tuy nhiên, vì là bước đầu nên Làng sẽ bố trí số trẻ ở mỗi nhà ít hơn nhằm giúp các bà mẹ từng bước làm quen với công việc, tránh áp lực” - ông Cương cho biết thêm. Việc tiếp nhận trẻ dự kiến bắt đầu vào tháng 6, khi các cháu kết thúc năm học và nghỉ hè. 

Ngoài các bà mẹ SOS đã qua đào tạo, Làng cũng tiếp nhận mới 16 hồ sơ ứng viên bà mẹ SOS và đang tiến hành các bước tuyển chọn, chuẩn bị đưa đi đào tạo vào tháng 5 tới.

Các công việc khác như mua sắm trang thiết bị, vật dụng cho các nhà gia đình, văn phòng làm việc cũng đang được Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn tiến hành khẩn trương, để kịp với tiến độ tiếp nhận lớp trẻ đầu tiên.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã trao trả 66 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B  (26/04/2011)
Phát hiện mộ tập thể 5 liệt sĩ   (26/04/2011)
Nhiều hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2011   (26/04/2011)
Giao ban công tác PCTN quý I   (26/04/2011)
Tiếp thêm sức cho con nhà nông   (25/04/2011)
Theo không nổi vì... “mất gốc”   (25/04/2011)
Đã lây lan rộng trong trường học  (25/04/2011)
Hỗ trợ cấp cứu sản phụ sinh con trên tàu Thống Nhất   (25/04/2011)
UBND tỉnh gặp mặt động viên, khen thưởng em Võ Duy Việt   (25/04/2011)
Hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho 60 hộ nông dân ở Tuy Phước, Hoài Ân  (24/04/2011)
Tích cực tuyên truyền công tác bầu cử  (24/04/2011)
Huấn luyện giỏi, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp  (24/04/2011)
Nhớ thời cõng gạo nuôi quân  (24/04/2011)
61.711 hộ nghèo được trợ cấp khó khăn  (24/04/2011)
Khởi động đầu năm  (24/04/2011)