Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở các địa phương, đơn vị diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tình trạng ÔNMT ở các làng nghề, cơ sở y tế, bệnh viện cũng gây bức xúc trong nhân dân.
|
Bãi rác núi Bà Hỏa đã được chôn lấp, xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
|
* Hiệu quả xử lý chưa cao
Những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật về BVMT ở nhiều địa phương, đơn vị diễn biến khá phức tạp; trong đó, đáng lo ngại là vấn đề ÔNMT tại các KCN, CCN, khu dân cư, làng nghề, cơ sở y tế, bệnh viện… Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong gần 20 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì có trên 10 CCN chưa thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và chỉ khoảng 50% số cơ sở kinh doanh trong các CCN thực hiện lập hồ sơ môi trường.
Bên cạnh các KCN, CCN, ÔNMT ở một số địa phương, đơn vị, làng nghề, cơ sở y tế, bệnh viện cũng khá phức tạp. Trong đó, có những cơ sở được đưa vào diện gây ÔNMT nghiêm trọng như: kho bom phường Quang Trung, bãi rác núi Bà Hỏa (phường Quang Trung), kho chất độc CS (phường Bùi Thị Xuân), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, kho xăng dầu phường Hải Cảng, đều ở TP Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn)…
Thực hiện Quyết định số 64 của Chính phủ và Thông tư 07 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã nỗ lực triển khai di dời, giải tỏa các đơn vị, cơ sở gây ô nhiễm và xử lý những trường hợp gây ÔNMT nghiêm trọng. Theo ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, trong 6 đơn vị, cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, đến nay, đã có 3 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm gồm: Kho bom phường Quang Trung, kho hóa chất CS phường Bùi Thị Xuân, kho xăng dầu phường Hải Cảng. 3 cơ sở chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm là: bãi rác núi Bà Hỏa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định.
* Giải pháp nào?
Thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; đồng thời, tích cực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận có thể thấy, hiệu quả của công tác xử lý chưa cao.
Theo ông Lê Minh Luận, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Quyết định số 64 đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, với các cơ sở như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, bãi rác huyện Phù Cát… đều là các cơ sở thuộc đối tượng công ích hoặc nguồn thu hạn chế nên không thể bố trí nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện xử lý ÔNMT triệt để. Với bãi rác núi Bà Hỏa, dù đã thực hiện xử lýÔNMT triệt để xong, nhưng theo quy định, phải chờ bãi chôn lấp chất thải Long Mỹ (bãi chôn lấp mới) hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải mới được rút tên khỏi danh sách. Trong khi đó, hạng mục này đòi hỏi lượng kinh phí lớn, thời gian thực hiện dài…
Cũng theo ông Lê Minh Luận, cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý ÔNMT nghiêm trọng tuy đã được ban hành nhưng khó áp dụng vào thực tế. Cụ thể, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý ô nhiễm, không áp dụng cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động gây ô nhiễm (?)…
Vấn đề đặt ra lúc này là làm gì để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 64 và Thông tư 07, góp phần xử lý triệt để tình trạng gây ÔNMT nghiêm trọng tại các địa phương, cơ sở? Theo ông Lê Minh Luận, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai Quyết định 64 và Thông tư 07, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí cho việc xử lý ÔNMT đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích, gồm hỗ trợ kinh phí lập dự án xử lý và kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm. Đồng thời, đề nghị ban hành các quy định về chính sách hỗ trợ đối với các DN không thuộc khu vực công ích trong việc xử lý ô nhiễm; ban hành quy định xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nhưng không xử lý đúng theo thời hạn quy định; đề nghị ban hành quy định phân cấp thực hiện công tác kiểm tra, phân loại cơ sở gây ÔNMT và gây ÔNMT nghiêm trọng cho UBND cấp huyện, xã theo phân cấp quản lý Nhà nước về BVMT.
Riêng đối với Sở Tài nguyên - Môi trường, với chức năng của mình, đã có kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng giai đoạn 2011-2020. Theo đó, với 3 cơ sở chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 64, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo hoàn thành xử lý trong năm 2012; với các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng năm 2008, 2009 được phân loại theo Thông tư số 07, Sở sẽ yêu cầu hoàn thành xử lý ô nhiễm trong năm 2011. Đối với các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng phát sinh từ năm 2011 về sau, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ yêu cầu phải hoàn thành xử lý ô nhiễm trong năm kế tiếp.
|