Chú trọng chất lượng dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ
21:27', 28/4/ 2011 (GMT+7)

Đến ngày 30.4, 30 xã đặc biệt khó khăn và xã đông dân có mức sinh cao trong tỉnh đã hoàn thành đợt 1 của Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ). Chiến dịch là cơ hội, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân thay đổi hành vi, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

 

Xét nghiệm phát hiện bệnh viêm nhiễm đường sinh sản ở phụ nữ.

 

* Ưu tiên cho vùng khó khăn

Vĩnh Thạnh có hơn 26.000 dân sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là Bana) chiếm khoảng 30%. Với đặc thù của một huyện vùng cao, dân cư phân bố không đồng đều; nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn nên việc tiếp cận các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ các khu dân cư cũng không đồng đều. Đây là những trở ngại lớn trong việc thực hiện công tác dân số.

Xác định rõ những khó khăn này, ngay từ đầu năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung cao độ cho việc tổ chức Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến 4 xã vùng cao và đông dân là: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hòa.

Hôm xã Vĩnh Hiệp triển khai Chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ đúng mùa vụ nên nhiều chị tranh thủ xếp lại việc nhà để đi “chiến dịch”. Chị Lê Thị Nước, 48 tuổi, ở thôn Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp cùng mấy chị em khác trong thôn đi cắt thuê từ 2 giờ sáng để kịp đến trạm. Chị tâm sự: “Có vòng rồi, vẫn khỏe, tui yên tâm vì không lo lỡ kế hoạch nữa. Đợt chiến dịch nào tui cũng đi khám phụ khoa, chứ nghe mấy cái vụ viêm nhiễm hay ung thư cổ tử cung, ớn quá!”. Còn chị Nguyễn Thị Lý, 30 tuổi, cũng ở thôn Vĩnh Cửu, mặc dù đã có 2 con nhưng từ lâu mắc bệnh mà không biết. Bây giờ được khám chị mới biết mình bị viêm nhiễm phụ khoa và được cấp thuốc .

Với những địa bàn vùng núi cao như xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim, từ trung tâm xã vào đến từng thôn, bản khá xa, thậm chí nhiều địa bàn phải đi bộ cả chục cây số. Nhân viên y tế phải rất vất vả tổ chức dịch vụ ở hai điểm là trạm y tế xã và một “trạm y tế dã chiến” ở nhà rông hay lớp học gần với nhà dân. Có nhiều điểm tuyên truyền và cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ ở vùng cao thu hút rất đông chị em. Nhiều đợt chiến dịch ở xã Vĩnh Sơn, mỗi ngày có gần cả trăm người đến chờ đợi.

Y sĩ Hoàng Thị Kim Oanh, Đội bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Ở những vùng xa xôi còn nhiều khó khăn, nhiều chị em ít được tiếp xúc với trang thiết bị hiện đại như siêu âm, soi tươi. Và họ hiểu Chiến dịch là cơ hội và có điều kiện chăm sóc cho mình, vì thế dù bận đến mấy cũng phải đi cho bằng được”.

* Chú trọng chất lượng dịch vụ

Từ nhiều năm nay, tỉnh thường xuyên tổ chức 2 đợt chiến dịch/năm, với mục tiêu đây vừa là phương thức vừa là giải pháp quan trọng quyết định việc hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ cả năm. Theo đó, chỉ tiêu thực hiện các đợt chiến dịch chiếm khoảng 60-70% kế hoạch các gói dịch vụ CSSKSS của cả năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chiến dịch mang tính chất làm “bước đệm” để tạo phong trào, thay đổi nhận thức, hành vi trong CSSKSS-KHHGĐ của người dân, còn hiệu quả thì không như mong muốn. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, cán bộ giám sát thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Chiến dịch đợt 1, huyện được giao chỉ tiêu khám phụ khoa cho 100 chị em; trong đó, có 60 trường hợp được điều trị, 30 trường hợp được soi tươi và 10 trường hợp được làm phiến đồ âm đạo. Nhưng kết quả sơ bộ chỉ có xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim thực hiện đạt kế hoạch.

Y sĩ Hoàng Thị Kim Oanh cho rằng, tỉ lệ phụ nữ khám phát hiện mắc bệnh phụ khoa trong các đợt chiến dịch khá cao, đa phần là viêm nhiễm; trong khi nguồn thuốc điều trị không nhiều, chỉ có thuốc đặt chứ không có thuốc uống hay thuốc rửa. Nhiều trường hợp viêm nhiễm nặng, buộc phải điều trị trong thời gian dài nên với số lượng thuốc và chỉ định dùng thuốc điều trị của các đợt chiến dịch chỉ vài ba ngày là không đủ.

Chiến dịch đợt 1.2011, Bình Định chỉ thực hiện tại 30 xã vùng đặc biệt khó khăn và vùng đông dân có mức sinh cao. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, phân tích: Mục tiêu của ngành Y tế trong thời gian tới là nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ theo hướng làm thường xuyên tại các cơ sở y tế vì 3 lý do: toàn tỉnh hiện đã có hơn 85% xã đạt chuẩn quốc gia, khả năng cung cấp dịch vụ KHHGĐ tốt; tổng tỉ suất sinh của tỉnh gần đạt mức sinh thay thế; nhưng quan trọng hơn là cần phải thay đổi nhận thức của người dân. Ông Quang cũng cho rằng, để đạt mục tiêu này không dễ và Bình Định còn phải làm rất nhiều việc như kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ; nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hệ thống hậu cần phương tiện tránh thai, mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiệm kỳ V, phấn đấu 90% cơ sở Hội đạt khá  (28/04/2011)
10 thí sinh tham dự cuộc thi Microsoft Office World Champion 2011  (28/04/2011)
Tập huấn nghiệp vụ cho trên 300 cán bộ làm công tác bầu cử  (28/04/2011)
Cần có giải pháp để xử lý triệt để  (28/04/2011)
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách  (27/04/2011)
Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại Vân Canh, Tuy Phước  (27/04/2011)
Tăng thêm 5 cụm trường thi tốt nghiệp THPT  (27/04/2011)
Lương, lương hưu và trợ cấp BHXH đều tăng  (27/04/2011)
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam lần thứ I  (27/04/2011)
Ứng cử viên có thể vận động bầu cử theo cách riêng…  (27/04/2011)
Đưa 1.410 lao động 3 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động  (27/04/2011)
60.838 lượt hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2011  (27/04/2011)
Sẵn sàng tiếp nhận trẻ   (26/04/2011)
Đã trao trả 66 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B  (26/04/2011)
Phát hiện mộ tập thể 5 liệt sĩ   (26/04/2011)