Tài Lương - 80 năm phất phới cờ bay…
23:27', 28/4/ 2011 (GMT+7)

“Oai chiến sĩ đùng đùng như sấm chớp/Trống vang lừng Cự Lễ, Thành Sơn/Cờ phất phới Tài Lương, An Thái/Khí hào hùng vùn vụt tựa phong ba”… Tám mươi năm trôi qua, những dòng thơ ngợi ca khí thế oai hùng của cuộc biểu tình ngày 23.7.1931 tại cây số 7 Tài Lương vẫn còn lưu truyền hậu thế…

 

Khu đúc bê tông ly tâm ở xã Hoài Thanh Tây được xây dựng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2009.

 

* Ký ức

Những ngày tháng Tư này, chúng tôi tìm về thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn để được hầu chuyện ông Đoàn Quang Cần, người em thứ 16 của đồng chí Đoàn Tính (1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cửu Lợi - Chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên trên quê hương cách mạng Hoài Nhơn, vào tháng 8.1930). Năm nay đã bước sang tuổi 86, chân tay chẳng còn linh hoạt nữa, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe chuyện cũ, ông Cần như hăng hái hẳn lên.

Khi cuộc biểu tình lịch sử ở cây số 7 Tài Lương năm 1931 nổ ra, ông Cần mới 6 tuổi. Nhưng, qua lời kể của người anh ruột và những người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình, trong ông vẫn nguyên vẹn hình dung về khí thế hào hùng của những ngày máu lửa ấy. Qua lời kể của ông Cần, cùng sự xác tín từ các tư liệu lịch sử mà anh Hồ Khắc Cầu, cán bộ phụ trách công tác bảo tồn bảo tàng của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Nhơn cung cấp, chúng tôi hình dung được cảnh tượng từng đoàn người khí thế ngất trời trong cuộc biểu tình quy mô đó.

Những năm 1930-1931, phong trào cách mạng Hoài Nhơn như đám cỏ khô chờ một đốm lửa. Mồi lửa ấy chính là cuộc biểu tình đêm 22, rạng ngày 23.7 năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Về sự kiện này, Lịch sử Đảng bộ Bình Định đánh giá: “Tiêu biểu cho khí thế đấu tranh của công nông Bình Định trong cao trào 1930-1931”!

Cuộc biểu tình dưới sự bảo vệ của lực lượng Tự vệ đỏ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng. 7 đảng viên được phân công lãnh đạo các cánh biểu tình, xuất phát từ các hướng khác nhau, tiến về hợp điểm tại Gò Sếu, Tài Lương, sau đó kéo về phủ đường Bồng Sơn. Để chặn địch từ Quảng Ngãi vào, chi bộ phía Bắc cho một tổ Tự vệ đỏ chốt tại đèo Bình Đê. Chi bộ phía Nam cho một tổ Tự vệ đỏ chốt ở Km số 6, chặn địch từ Bồng Sơn ra. Từ 17 giờ ngày 22.7, cuộc biểu tình bắt đầu.

Cánh thứ nhất gồm nhân dân các làng Cửu Lợi, Tăng Long, Đại Hóa, An Thái… do đồng chí Huỳnh Triếp chỉ huy, tập trung tại cầu Ông Rãi (An Thái, Tam Quan). Cánh thứ hai gồm dân các làng Dĩnh Thạnh, Huân Công, Lộc An, Hảo Thiện, Trường Xuân… do đồng chí Cao Thành chỉ huy; tập trung ở Dĩnh Thạnh kéo ra Chương Hòa để hợp điểm với nhân dân Hoài Châu Bắc. Cánh thứ 3 đông nhất, gồm nhân dân các làng Hy Văn, Hy Tường, Hy Thế, Châu Đê, Quy Thuận, An Sơn, Thành Sơn do đồng chí Võ Tri chỉ huy, tập trung ở Đồng Lăng (Túy Thạnh), đi qua đập Bà Quyến, đồng Tăng Ma, tiến theo đường hàng tổng vào chợ Cát (Hoài Hảo) để đến Tài Lương. Một cánh khác gồm nhân dân các làng Tài Lương, Ngọc An, Trường Lâm (Hoài Thanh) cũng tổ chức thành đội ngũ tiến đến địa điểm tập trung.

Toàn đoàn biểu tình hơn 3.000 người hướng theo lá cờ búa liềm do đồng chí Huỳnh Lịch giương cao, hàng ngũ trật tự, khí thế rầm rộ, trống thúc liên hồi, đuốc sáng rực trời, làm náo động cả huyện. Đoàn tiến đến đâu đều trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh dọc đường. Đến rạng sáng ngày 23.7, sau thời gian hốt hoảng, địch bắt đầu bố ráp. 13 đảng viên và quần chúng đã hy sinh, 1 đảng viên bị kết án tử hình, 3 đảng viên bị kết án tù chung thân, 78 đảng viên và hàng trăm quần chúng bị giam cầm, tra tấn…

 

Bia tưởng niệm cuộc biểu tình tại Gò Sếu, thôn Tài Lương 3.

 

* Hồi sinh

80 năm đã trôi qua… Địa điểm tập kết của cuộc biểu tình vang danh ngày ấy nay thuộc thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Trên những hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, màu xanh hy vọng đã được thắp lên…

“Thành quả lớn nhất của cuộc biểu tình năm 1931 là ở chỗ nó khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản mà đại biểu là Đảng ta, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông lòng tự tin ở sức lực cách mạng vĩ đại của mình…” (Lê Duẩn, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”).

Hoài Thanh Tây ngày nay có đường Quốc lộ 1A chạy qua, được huyện Hoài Nhơn chọn đầu tư xây dựng các điểm cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như trảng cát Gò Công (15ha), gò Bàu Lát (10ha), gò Ông Nhơn (16ha), Ngọc An Trung (1,7 ha). Xã cũng đang tiến hành quy hoạch khu dân cư trung tâm hành chính rộng 55ha. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 516 cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, hàng năm giải quyết việc làm ổn định cho từ 800 - 1.000 lao động ở địa phương.

Đứng trên mảnh đất hào hùng một thời, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh Tây, lạc quan cho chúng tôi biết: Hiện tại, Hoài Thanh Tây đã có hàng chục mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những hộ sản xuất, chăn nuôi giỏi đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đời sống của người dân Hoài Thanh Tây ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân cuối năm 2010 đạt 9,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 1999. Giáo dục và y tế được quan tâm, Trường THCS Hoài Thanh Tây là 1 trong 5 trường THCS của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2003, giai đoạn 2 vào năm 2008.       

Đến Hoài Thanh Tây hôm nay, chúng tôi được tận mắt thấy cuộc sống của người dân ngày một sung túc, chứng kiến sự đổi thay hàng ngày, cảm nhận được những nỗ lực đấu tranh cách mạng, đấu tranh chống nghèo nàn lạc hậu vươn lên của người dân nơi đây đã đơm hoa kết trái. Và, chúng tôi nhận ra rằng, thế hệ cháu con của những lớp người chiến sĩ nông dân ngày xưa đang nỗ lực từng ngày để xây dựng quê hương, cố gắng sống xứng đáng với cuộc sống hòa bình mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để giành lấy…

 

Ông Đoàn Quang Cần đang kể lại diễn biến cuộc biểu tình.

 

* Ngưỡng vọng

Ngày 26.1.2011, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 323 xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn). Có thể nói, đây là thông tin làm nức lòng không chỉ người dân Hoài Nhơn mà là cả tỉnh. Khi lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp Quốc gia, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đều cho rằng: Việc công nhận Di tích cấp Quốc gia cho di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 sẽ có ý nghĩa chính trị sâu rộng trong quần chúng nhân dân, không chỉ Bình Định mà trong cả nước.

Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, ông Đoàn Quang Cần rất tâm đắc: “Cuộc biểu tình cây số 7 Tài Lương thể hiện ý chí sắt đá, một lòng kiên quyết bảo vệ và duy trì các phong trào cách mạng trong thời điểm khó khăn nhất, ác liệt nhất của nhân dân Hoài Nhơn từ khi có Đảng lãnh đạo. Việc Nhà nước công nhận đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia là hoàn toàn tương xứng với một sự kiện lịch sử lớn của Đảng ta tại miền Trung diễn ra cách đây 80 năm. Việc công nhận này còn góp phần gìn giữ, tôn vinh giá trị lịch sử của thời đại, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Ông Cao Ca, Bí thư Chi bộ thôn Tài Lương 3, hay tin trên cũng không giấu nổi niềm vui. Ông tâm sự: “Mỗi khi đi qua Gò Sếu, tôi luôn thấy áy náy, giữa không gian vắng vẻ chơ vơ một tấm bia đúc sẵn bằng bê tông xi măng đã dần nhuốm màu thời gian, nhợt nhạt dòng chữ ghi lại mốc son thời gian diễn ra cuộc biểu tình ủng hộ Xô viết- Nghệ Tĩnh vào đêm 22 rạng sáng ngày 23.7.1931 của trên 3.000 quần chúng nhân dân lao khổ. Giờ thì sự day dứt đã được giải tỏa. Người dân quê tôi cũng rất phấn khởi”.

Những ngày này, huyện Hoài Nhơn đang gấp rút xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm cuộc biểu tình vũ trang tại cây số 7 Tài Lương; đồng thời, đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23.7.2011. “Ngay sau đó, huyện sẽ tiếp tục lập hồ sơ quy hoạch phương án xây dựng khu di tích trình lên cấp trên phê duyệt để xúc tiến đền bù, di dời mồ mả, xây dựng khu di tích, đáp ứng sự trông chờ của người dân địa phương” - anh Hồ Khắc Cầu cho biết.

  • Văn Trang - Bảo Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường tuyên truyền và đảm bảo an ninh trật tự trong bầu cử  (28/04/2011)
Một năm hơn 10.000 trẻ em được giúp đỡ  (28/04/2011)
Chú trọng chất lượng dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ  (28/04/2011)
Nhiệm kỳ V, phấn đấu 90% cơ sở Hội đạt khá  (28/04/2011)
10 thí sinh tham dự cuộc thi Microsoft Office World Champion 2011  (28/04/2011)
Tập huấn nghiệp vụ cho trên 300 cán bộ làm công tác bầu cử  (28/04/2011)
Cần có giải pháp để xử lý triệt để  (28/04/2011)
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách  (27/04/2011)
Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại Vân Canh, Tuy Phước  (27/04/2011)
Tăng thêm 5 cụm trường thi tốt nghiệp THPT  (27/04/2011)
Lương, lương hưu và trợ cấp BHXH đều tăng  (27/04/2011)
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam lần thứ I  (27/04/2011)
Ứng cử viên có thể vận động bầu cử theo cách riêng…  (27/04/2011)
Đưa 1.410 lao động 3 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động  (27/04/2011)
60.838 lượt hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2011  (27/04/2011)