Kỷ vật một thời máu lửa
0:29', 29/4/ 2011 (GMT+7)

Hơn 5.500 hồ sơ, kỷ vật, giấy tờ và sổ ghi chép cá nhân thuộc về những người con Bình Định đi B thời chiến tranh chống Mỹ được Chi cục Văn thư- Lưu trữ tỉnh (trước đây là Trung tâm Lưu trữ tỉnh) bảo quản để trao trả lại cho cán bộ và thân nhân. Hồ sơ đó được xem là những kỷ vật một thời máu lửa.

 

Hơn 5.500 hồ sơ, kỷ vật đi B được lưu giữ cẩn thận tại Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh để bàn giao lại cho cán bộ hoặc thân nhân của họ.

 

* Hồ sơ đi B...

Từ năm 1959-1975, để tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam, những đơn vị đầu tiên mở đường Trường Sơn được thành lập và các đoàn cán bộ thuộc khối Dân- Chính- Đảng lặng lẽ hành quân vào miền Nam công tác (gọi tắt là đi B).

Ông Phan Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tỉnh, cho biết: Vì điều kiện lúc đó, tất cả cán bộ được Đảng và Nhà nước lựa chọn đều phải đi theo con đường bí mật nên mọi người phải để lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chứng minh nhân dân, quyết định điều động, thẻ cán bộ, lý lịch, nguyện vọng công tác, tiền bạc, sổ tiết kiệm, hành lý, kỷ vật... chỉ được mang theo những vật dụng thiết yếu do Ban quan hệ Bắc - Nam trực thuộc Phủ Thủ tướng (sau này là Ủy ban Thống nhất Chính phủ) cấp phát. 

Sau khi nghỉ hưu, về địa phương còn rất nhiều cán bộ do hoàn cảnh đã không thể (hoặc không có điều kiện) tìm lại hồ sơ, giấy tờ của mình. Một số lớn trong đó đã hy sinh tại chiến trường và gia đình, thân nhân của họ cũng không thể tìm lại được những giấy tờ, kỷ vật của cha, anh để làm kỷ niệm hoặc đề nghị Nhà nước giải quyết chế độ.

Tháng 3.2010, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo thân nhân gia đình cán bộ đi B trong cả nước, Bộ Nội vụ đã giao toàn bộ 55.710 hồ sơ cán bộ đi B về các tỉnh, thành để tiếp tục trao trả cho cán bộ và thân nhân. Bình Định được tiếp nhận 5.442 hồ sơ cán bộ, 116 Huân chương các loại, 313 Huy chương các loại, 200 Kỷ niệm chương, 3.562 Bằng khen, 4.167 ảnh và 158 kỷ vật, giấy tờ khác.

Theo ông Phan Minh Lý, tất cả hồ sơ cán bộ đi B đều được Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh sử dụng phương tiện tra cứu bằng công cụ mục lục và phần mềm quản lý hồ sơ nên đáp ứng nhanh hồ sơ mà cán bộ và nhân dân cần tìm.

 

Ông Trần Cảnh Nhạn (bên trái) ở xã Hoài Châu, Hoài Nhơn nhận hồ sơ đi B của cha là ông Trần Thành.

 

* Kỷ vật một thời

Bà Lê Thị Kiệu, 66 tuổi, ở thôn An Chiểu, xã Ân Phong (Hoài Ân) rất xúc động khi nhận được hồ sơ của mình và người chồng quá cố. Bà tâm sự: Lúc lên đường làm nhiệm vụ có ai nghĩ mình còn sống để về nhận lại hồ sơ, kỷ vật. Những giấy tờ này đối với chúng tôi là tài sản vô giá mà những người làm công tác văn thư, lưu trữ đã giữ gìn, bảo quản để trao lại”.

Anh Phan Văn Bảy, ở thị trấn Ngô Mây, Phù Cát vào tìm kiếm và nhận hồ sơ đi B của cha là ông Phan Di vào Nam năm 1961, hy sinh năm 1968. Anh Bảy cho biết: “Khi hồ sơ được mang về nhà, mọi người trong gia đình tập trung lại, mở ra ai cũng ngỡ ngàng, ngoài giấy tờ cá nhân còn có một sổ tiết kiệm, đặc biệt là bút tích của cha trong hồ sơ. Đó là bút tích duy nhất vì khi đi làm cách mạng, cha tôi không để lại một giấy tờ nào cho gia đình”.

Anh Đào Duy Thông, ở xã Cát Tân (Phù Cát), đến nhận hồ sơ của cha là ông Đoàn Mai Chẩn và cậu ruột là Đoàn Cẩn dù niềm vui chưa trọn vẹn, nhưng đối với gia đình đó là những kỷ vật vô giá. Ông Chẩn đi B và hy sinh, nhưng do chưa xác định rõ thời gian, địa điểm hy sinh nên đến nay gia đình chưa làm được chế độ. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình là xác định được ngày hy sinh của ông Chẩn. Theo anh Thông, khi cha và cậu tham gia cách mạng không để lại một tấm ảnh nào, lúc hy sinh gia đình không có di ảnh để thờ. Hôm vào nhận hồ sơ, bất ngờ cả hai đều có lưu lại ảnh cá nhân cũng như ảnh tập thể nên gia đình đã cho vẽ lại để thờ.

Những kỷ vật của cán bộ đi B, dù chỉ là một tờ giấy với những dòng chữ đã nhòe theo thời gian, đều đã gợi cho mỗi người sống trong thời hiện đại, nhất là đối với thế hệ trẻ, sự trân trọng về lối sống, cách sống của cha ông; của một thời quá khứ hào hùng.

  • Phạm Nguyễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức 38 cụm tiếp xúc giữa người ứng cử ĐBQH và 95 cụm, điểm tiếp xúc giữa người ứng cử ĐB HĐND tỉnh với cử tri  (29/04/2011)
Nhiều hoạt động sâu rộng, thiết thực  (28/04/2011)
Tài Lương - 80 năm phất phới cờ bay…  (28/04/2011)
Tăng cường tuyên truyền và đảm bảo an ninh trật tự trong bầu cử  (28/04/2011)
Một năm hơn 10.000 trẻ em được giúp đỡ  (28/04/2011)
Chú trọng chất lượng dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ  (28/04/2011)
Nhiệm kỳ V, phấn đấu 90% cơ sở Hội đạt khá  (28/04/2011)
10 thí sinh tham dự cuộc thi Microsoft Office World Champion 2011  (28/04/2011)
Tập huấn nghiệp vụ cho trên 300 cán bộ làm công tác bầu cử  (28/04/2011)
Cần có giải pháp để xử lý triệt để  (28/04/2011)
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách  (27/04/2011)
Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại Vân Canh, Tuy Phước  (27/04/2011)
Tăng thêm 5 cụm trường thi tốt nghiệp THPT  (27/04/2011)
Lương, lương hưu và trợ cấp BHXH đều tăng  (27/04/2011)
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam lần thứ I  (27/04/2011)