Ngày 3.12.2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Chương trình đã tạo một cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh ta.
|
Các công trình đầu tư đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
- Trong ảnh: Một góc xã Nhơn Hải hôm nay.
|
* Hiệu quả từ sự hỗ trợ
Thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước hiện có 1.022 hộ với hơn 4.900 nhân khẩu. Nằm ven đầm Thị Nại, phần lớn người dân trong thôn sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản. Ông Trần Đức An, Trưởng thôn Vinh Quang 2, cho biết: “Từ trước năm 1975, chợ Đình là đầu mối mua bán các loại thủy, hải sản do người dân địa phương đánh bắt được trên đầm Thị Nại. Sau Giải phóng, dù được sửa chữa nhiều lần nhưng chợ vẫn lụp xụp với mái tôn cũ kỹ. Năm 2008, chợ Đình được đầu tư 461 triệu đồng để xây mới bằng bê tông xi măng kiên cố. Việc xây dựng chợ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu làm móng, vì nền đất thấp, cứ đào xuống hơn 1 mét là đã gặp nước. Nếu không có sự đầu tư lớn của Nhà nước thì khó mà thực hiện được”.
Bên cạnh việc xây mới chợ Đình, cuối năm 2010, thôn Vinh Quang 2 còn được đầu tư xây dựng đường bê tông liên thôn dài hơn 850m sang thôn Lộc Thượng. Các công trình xây dựng cơ bản này đã góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn ở vùng trũng khu Đông. “Trước đây, chợ Đình chỉ nhóm họp vào các buổi sáng sớm. Giờ, chợ đông đúc đến 9, 10 giờ. Những ngày trời mưa, không còn cảnh giăng bạt căng lều nhếch nhác như trước nữa” - anh Nguyễn Thanh Sơn, một người dân buôn bán ở khu vực chợ Đình, cho biết.
Không chỉ riêng người dân thôn Vinh Quang 2, nhiều năm qua, hơn 200 ngàn người dân ở 20 xã ĐBKK trong tỉnh đã được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã ĐBKK. Chỉ tính riêng giai đoạn 2005-2010, đã có 154 hạng mục công trình được xây dựng với tổng kinh phí 98,133 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Chương trình mục tiêu Trung ương hỗ trợ là 71,1 tỉ đồng; nguồn vốn thuộc ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ là 17,167 tỉ đồng; nguồn vốn huy động và đóng góp của nhân dân vùng dự án là 9,966 tỉ đồng.
Với các xã ĐBKK không có nguồn thu đáng kể như xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), việc xây dựng các cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Trong 5 năm qua, nếu không có chương trình hỗ trợ, Nhơn Châu không thể hoàn thành các công trình trường học, đường giao thông, hệ thống điện, khu văn hóa, mua máy phát điện… với tổng mức đầu tư 5,885 tỉ đồng.
|
Ngư dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) vá lưới, chuẩn bị ra khơi.
|
Một điều đáng chú ý là, các công trình đầu tư cho các xã ĐBKK đã tác động tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Cuối năm 2005, tổng số hộ nghèo trên địa bàn 20 xã ĐBKK là 13.251 hộ, chiếm tỉ lệ 26,15%. Qua 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã ĐBKK đã giảm xuống còn 10,2%, tương đương với 5.162 hộ.
Trong số các xã ĐBKK, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) có thành tích giảm nghèo khá ấn tượng. Năm 2005, số hộ nghèo của xã chiếm 22,45% tổng số hộ, đến năm 2009 con số này chỉ còn 8,55%. Theo ông Nguyễn Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, các công trình như bờ kè, đường giao thông nội bộ… đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp người dân thoát nghèo. Đường giao thông thông thoáng giúp người dân đi lại, buôn bán thuận tiện, rút ngắn khoảng cách với bên ngoài. Gần đây, các xe đưa đón công nhân cũng dễ dàng vào ra, đưa lao động miền biển tiếp cận với công việc ổn định ở các công ty, xí nghiệp.
* Để các xã đặc biệt khó khăn bớt... khó khăn
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2011, chương trình hỗ trợ các xã ĐBKK sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. 20 xã ĐBKK sẽ được đầu tư 26,798 tỉ đồng để xây dựng 36 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Để nâng cao hiệu quả của chương trình hỗ trợ, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa của Chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương và chính sách, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chính phủ trên địa bàn các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được chú trọng hơn nữa.
|
Chợ Đình ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
|
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phân tích: “Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã ĐBKK cần có hướng dẫn và quy hoạch cụ thể. Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết trước các công trình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định đời sống; chủ động huy động nguồn lực tại chỗ cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình cơ bản cũng phải hướng đến nhu cầu thực tế của người dân”.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng ở địa bàn xã ĐBKK, để kịp thời phát hiện và uốn nắn các sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở cơ sở.
20 xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh ta là: Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ An, Mỹ Lợi, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ); Cát Thành, Cát Minh, Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Khánh (huyện Phù Cát); Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng (Tuy Phước); Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn).
Kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ cuối năm 2010, tổng số hộ nghèo trên địa bàn 20 xã ĐBKK là 10.162 hộ, với 50.810 khẩu, chiếm tỉ lệ 20,05% số hộ trên địa bàn xã ĐBKK vùng bãi ngang. |
|