Với ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cũng chính là bảo vệ nguồn sống của mình. Khi nguồn lợi này đang có chiều hướng mất đi, họ bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường sống cho các loài tôm, cá…
|
Đa số người dân Nhơn Hải sống nhờ vào biển, hoạt động đánh bắt gần bờ, nên hơn ai hết, họ hiểu những tác hại của việc tận diệt rong mơ.
- Trong ảnh: Đội tàu thuyền của ngư dân Nhơn Hải.
|
* Từ chuyện rong mơ...
Rong mơ xuất hiện ở vùng biển Nhơn Hải đã lâu, tuy nhiên, việc khai thác chỉ bắt đầu rộ lên từ năm 2008. Rong mơ bắt đầu sinh trưởng từ đầu tháng 3 âm lịch, 2 tháng sau thì già và là thời điểm thích hợp để khai thác.
Theo một số lão ngư, rong mơ phát triển tạo chỗ trú ngụ cho tôm cá đẻ trứng, sinh sôi nảy nở. Vì vậy, nếu rong mơ bị vớt đi tôm cá sẽ không còn nơi sinh sản… Mặt khác, khi người dân bứt đứt một búi rong cũng đồng thời giật đổ một tảng san hô, kéo theo sự sụp đổ cả rạn san hô…
Ngày 23.4.2011, một nhóm ngư dân khai thác rong mơ trái phép ở Phú Yên đã bị phạt 5 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ số rong khai thác được. Tại Quảng Ngãi, trước tình trạng khai thác rong mơ ồ ạt gây ảnh hưởng đến hệ cân bằng sinh thái biển, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản nghiêm cấm việc khai thác, mua bán vận chuyển rong mơ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1.12 năm trước đến ngày 30.4 năm sau. |
Gần 2 năm trước, Báo Bình Định từng cảnh báo hậu quả của việc khai thác rong mơ ào ạt ở Nhơn Hải. Năm 2010, rong mơ vẫn tiếp tục bị tận diệt khi còn non do việc quản lý hoạt động khai thác rong mơ vẫn chưa được chú trọng. Đa số người dân Nhơn Hải sống nhờ vào nguồn lợi biển bằng hoạt động đánh bắt gần bờ. Năm nay, lại một mùa biển thất bát khi các loài cá mặt nước giảm hẳn. “Đua bứt rong mơ mùa hạ cũng đồng nghĩa với việc cắt hầu bao của mình vào mùa đông, mùa xuân”, hơn ai hết, người dân Nhơn Hải lại thấm thía điều ấy.
Đến Nhơn Hải những ngày này, thật khác thường khi chưa thấy ai đi khai thác rong mơ. Theo ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, nguyên nhân là do xã đã thực hiện tốt khâu tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, nhất là rong mơ. Đáng chú ý, việc định ra thời điểm khai thác rong mơ đã được người dân đồng thuận. Từ nay, ngư dân Nhơn Hải sẽ chỉ được khai thác rong mơ sau mùng 1 tháng 5 âm lịch; khi khai thác chỉ được cắt rong chứ không nhổ gốc, không phơi rong trực tiếp trên cát mà phơi trên giàn để đảm bảo vệ sinh cho bãi cát…
|
Người dân Nhơn Hải khai thác rong mơ. Đáng mừng là đến thời điểm đầu tháng 3 âm lịch năm nay, hình ảnh này vẫn chưa xuất hiện trở lại.
|
* Đến quy ước bảo vệ biển
Trước đây ở Nhơn Hải từng tồn tại một quy ước giữa ngư dân với nhau về thời gian hoạt động của các nghề mành chà, lưới đăng, mành chực…Đến khoảng năm 1997, quy ước này bị phá bỏ. Thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp giữa các nghề khai thác, nuôi trồng trên biển diễn ra khá gay gắt. Vì vậy, đầu tháng 3.2011, UBND xã Nhơn Hải đã ban hành Quy ước quản lý, bảo vệ, khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã để có căn cứ giải quyết tranh chấp, đồng thời đẩy mạnh việc bảo vệ tài nguyên biển.
Nội dung quy ước quy định cụ thể về thời gian, địa điểm, cách thức… khai thác và nuôi trồng thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường biển. Chẳng hạn, thời gian khai thác, đánh bắt trãi tôm bắt đầu từ mùng 1 tháng 9 âm lịch; thời gian thả chà khai thác tôm hùm giống từ 20 tháng 11; nuôi ốc hương từ 15 tháng 3 đến 15 tháng 8 hàng năm…
Để có căn cứ xây dựng quy ước, chính quyền xã đã lấy ý kiến của người dân, tìm sự đồng thuận của các hộ trực tiếp khai thác, đánh bắt. “Chỉ khi nào người dân nhận thức được sự cần thiết của việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, họ mới tôn trọng và nghiêm túc thực hiện những quy ước do chính họ thống nhất đặt ra” - ông Ngô Đức Tình phân tích.
Để quy ước này đi vào cuộc sống, ngoài ý thức tự giác của ngư dân, nhóm hạt nhân đồng quản lý nguồn lợi thủy hải sản đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, nhóm có 10 thành viên; trong đó, thôn Hải Đông có 4 người, các thôn Hải Giang, Hải Bắc, Hải Nam mỗi thôn 2 người. Anh Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng nhóm hạt nhân, cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền ở các buổi họp dân, các thành viên trong nhóm còn trực tiếp nắm địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản sao cho đạt sản lượng cao nhưng vẫn bảo vệ được môi trường biển”.
Theo gợi ý của các ngành chức năng cấp tỉnh, thành phố, xã Nhơn Hải đang chuyển quy ước thành quy chế để có căn cứ xử phạt khi có những sai phạm cụ thể. “Thời gian gần đây, ở khu vực biển Hải Giang đã xuất hiện ngư dân nơi khác đến khai thác rong mơ trái phép. Các lực lượng chức năng của xã Nhơn Hải phát hiện, nhắc nhở thì họ chuyển sang hoạt động vào ban đêm. Tôi nghĩ, để nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, cần có một quy chế chung cho các xã ven biển của thành phố” - ông Tình chia sẻ.
|