Liên đoàn Lao động tỉnh vừa phát động “Tháng Công nhân” năm 2011 và biểu dương 82 công nhân, lao động tiêu biểu có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất. Báo Bình Định xin giới thiệu 4 gương mặt tiêu biểu trong số họ.
* Anh Nguyễn Văn Hùng (Tổ trưởng vận hành máy, Công ty dược- Trang thiết bị Y tế Bình Định):
Nhiều sáng kiến, cải tiến
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp hệ Trung học nghề điện, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, anh Hùng xin vào Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định làm công nhân vận hành máy thuộc Phân xưởng Thuốc bột vi sinh. Từ khi vào Công ty làm việc đến nay, anh Hùng luôn có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực, hiệu quả.
|
Anh Nguyễn Văn Hùng |
Riêng trong năm 2010, anh Hùng đã có 2 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao. Sáng kiến thứ nhất là nâng công suất điện trở gia nhiệt ép gói từ 110V-250W lên 220V-500W để tăng tuổi thọ của điện trở và tăng độ ổn định nhiệt. Trước đây, khi dùng điện trở 110V-250W, mỗi khi điện trở cháy, phải đặt hàng ở TP Hồ Chí Minh sản xuất rồi gởi về, nên rất mất thời gian, sản xuất bị gián đoạn. Trong khi đó, điện trở 220V-500W lại bán rất nhiều tại Quy Nhơn. Bởi vậy, anh Hùng đã cải tiến, nâng công suất điện trở; từ đó, góp phần làm tăng độ ổn định trong quá trình ép gói do nhiệt độ luôn ổn định, tăng năng suất lao động, sản phẩm xuất xưởng đạt chất lượng cao.
Sáng kiến thứ hai là thay đổi pu ly tăng giảm máy đóng gói thuốc bột nhằm nâng công suất máy đóng gói từ 40-45 gói/phút lên 60-65 gói/phút. Sáng kiến này giúp khâu đóng gói sản phẩm ổn định hơn trước, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Không dừng ở đó, năm 2011, anh Hùng tiếp tục cải tiến bánh lăn kéo nhãn trên máy đóng gói từ làm bằng nhựa thay thế bằng inox; giúp việc kéo nhãn ổn định, không bị cháy, bị mòn như trước và tiết kiệm được chi phí sửa chữa.
Hiện anh Hùng đang ấp ủ 2 sáng kiến cải tiến nữa là cải tạo máy đóng gói Đài Loan Mv-bĐG4 ép 3 cạnh răng cưa dọc thành máy đóng gói sản phẩm BiraganKidF theo yêu cầu thị trường và cải tạo bộ phận băng tải máy đóng gói CKC6 đưa sản phẩm gói vào khay.
* Chị Nguyễn Thị Xuân (Công nhân Công ty cổ phần May Bình Định):
Thợ may giỏi của xưởng
Xin vào Công ty cổ phần May Bình Định làm việc từ năm 2009 trong lúc chưa có tay nghề, được Công ty đào tạo tại chỗ, với lòng yêu nghề và hăng say học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, chị Xuân đã trở thành một trong những thợ may giỏi của xưởng, luôn dẫn đầu chuyền sản xuất về năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng năm, chị đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và năm 2010 đạt Chiến sĩ thi đua.
|
Chị Nguyễn Thị Xuân |
Chị Xuân cho biết: “Khi mới vào nghề, do may chưa giỏi, nên mỗi tháng tôi chỉ có thu nhập khoảng trên 1 triệu đồng. Giờ tay nghề vững hơn, nên thu nhập hiện nay của tôi đã đạt từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng”.
* Anh Nguyễn Ngọc Nam (Tổ phó Cơ khí, Công ty TNHH Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn):
Sáng kiến tiết kiệm điện
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp điện, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, năm 2002, anh Nam xin về làm việc tại Xưởng Cơ khí, Công ty TNHH Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn. Là công nhân trực tiếp sản xuất cũng như lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở một số tuyến đường chính, công viên, nơi công cộng, qua một thời gian nghiên cứu, anh Nam đã phát hiện hệ thống điện trang trí nơi công cộng bằng dây rắn vừa tiêu hao điện năng lớn, vừa không đẹp. Bởi vậy, anh Nam đã chế tạo ra hàng loạt đèn Led phục vụ chiếu sáng đô thị, góp phần tiết kiệm được chi phí vật tư cũng như năng lượng điện tiêu thụ.
|
Anh Nguyễn Ngọc Nam |
Theo anh Nam, lúc mới bắt tay vào sản xuất, đèn Led đưa vào sử dụng gặp không ít trục trặc, phải làm đi làm lại nhiều lần. Ưu điểm của đèn Led là tiết kiệm được 60% lượng điện, độ sáng lại tương đương nhưng màu sáng thì chuyển đổi được nhiều màu, góp phần làm đẹp các tuyến đường phố, nơi công cộng so với sử dụng hệ thống điện dây rắn trước đây.
* Chị Phạm Anh Thơ (Công ty cổ phần Giày Bình Định):
Chuyền trưởng năng động
Chị Phạm Anh Thơ được lãnh đạo Công ty cổ phần Giày Bình Định đánh giá là một công nhân năng động, luôn hết lòng với công việc vì sự phát triển của Công ty, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
Chị Phạm Anh Thơ |
Chị Thơ xin vào làm việc tại Công ty từ năm 1993. Lúc đầu, chị là công nhân ở phân xưởng dán giày, dép; sau một thời gian, chị được điều qua xưởng may. Do chưa có tay nghề, thời gian đầu, chị chỉ làm công nhân phụ may. Vừa làm, vừa tự học nghề may từ những công nhân trong Công ty, chỉ sau một thời gian ngắn, chị Thơ đã trở thành một thợ may giỏi, được cất nhắc lên làm chuyền phó, rồi chuyền trưởng. Chị Thơ cho hay, do yêu thích nghề, lúc nào chị cũng làm việc hăng hái, hết mình nên mới được như ngày hôm nay.
Nhờ sự năng động trong điều hành của chị Thơ cùng sự nỗ lực của tập thể công nhân trong chuyền, hiện chuyền của chị Thơ quản lý có 35 công nhân luôn là chuyền có năng suất đạt nhất, nhì của xưởng, thu nhập đạt từ 2,4 triệu đến hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
|