Giá dầu tăng, chi phí cho mỗi chuyến đi biển theo đó đội lên. Ra khơi không có lãi, ngư dân đành đứng nhìn ghe thuyền “đắp chiếu”…
* Ghe thuyền “đắp chiếu”
Đang vào mùa đánh bắt, nhưng cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) không còn cảnh rộn rịp ghe thuyền vào ra. Hàng chục thuyền công suất lớn vẫn thả neo tại bến. Ông Phan Ngọc Dũng, một chủ tàu ở thôn Tân Thành 2, phân tích: “Thời điểm này, phí tổn cho một chuyến câu cá bò gù phải tăng thêm 30-40%. Trong khi đó, giá cá cũng chỉ quẩn quanh từ 100-110 ngàn đồng/kg, giảm 40-50 ngàn đồng/kg so với đầu năm. Chuyến đi biển vừa rồi, tôi lỗ gần 70 triệu đồng. Mỗi chuyến ra khơi, một ghe câu cá bò gù phải kiếm được 2 tấn cá trở lên mới có chút đỉnh chia cho bạn”.
|
Giá xăng dầu tăng cao, hình ảnh ghe thuyền nằm bờ ngày càng phổ biến. |
Xã Tam Quan Bắc có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất tỉnh với 410 chiếc, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt mỗi năm đạt từ 2.000 – 2.500 tấn. Thế nhưng, hiện nay gần 100 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ ở Tam Quan Bắc đang rơi vào tình cảnh “đắp chiếu”. Ông Trần Văn Tiện, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện nay, có gần 30% tổng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của xã đang… nằm bờ. Sau 2 đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 2 và cuối tháng 3 vừa qua, phí tổn cho mỗi chuyến đi biển tăng nhanh, trong khi giá cá không tăng mấy nên hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ngày càng khó. Người lao động “ăn theo” như vận chuyển, thu mua cá, bán cá… cũng thất nghiệp theo”.
Giá dầu tăng, làm ăn không có lãi, thậm chí là thua lỗ, nên ghe thuyền nằm bờ là hình ảnh phổ biến ở các làng biển. Thôn Lâm Trúc 2 (xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn) có 142 ghe thuyền, trong đó có 16 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Hiện tại, 6 chiếc đã thả neo “vô thời hạn”, 10 chiếc còn lại thì chuyển sang hoạt động ngắn ngày do không kham nổi phí tổn.
Chiều 1.5, tôi có mặt trên bờ kè ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), nhìn ra phía biển, nơi lớp lớp ghe thuyền nằm san sát. Đến cuối giờ chiều, mới thấy 2 nhóm ngư dân khiêng can dầu, vật dụng ra thúng. Rồi 2 chiếc ghe nổ máy ra khơi.
Ngư dân Nhơn Hải chủ yếu hoạt động ven bờ, đánh bắt cá nổi. Mỗi chuyến đi biển chỉ gói gọn trong thời gian từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Thế nhưng, họ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của việc tăng giá dầu. Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, chia sẻ: “Ghe nhỏ, đánh bắt gần bờ, nhưng chi phí cho mỗi chuyến đi biển cũng hơn 1 triệu đồng, gấp đôi so với hồi đầu năm. Năm nay, mực ít, cá cơm cũng giảm. Bỏ ra cả triệu bạc, thức trắng đêm để rồi mang về mấy ký cá vụn, không nằm bờ thì biết làm gì!”.
|
Mỗi chuyến đánh cá trở về không còn là niềm vui của ngư dân Tam Quan Bắc. |
* Điệu buồn làng biển
Khó khăn trong công cuộc mưu sinh, không ít ngư dân phải bán đi phương tiện đánh bắt cá. Từ năm 2008 đến nay, ngư dân xã Nhơn Hải đã bán gần 70 chiếc thuyền. Số thuyền bán đi chủ yếu có công suất trên 40 CV, khá cao đối với mặt bằng chung của ghe thuyền Nhơn Hải. Hiện giờ, đội ghe thuyền của cả xã chỉ còn không quá 380 chiếc. “Trong 2 tháng qua, đã có 4 chiếc ghe bán cho ngư dân Khánh Hòa, Bến Tre. Có thuyền làm mới trị giá 100 cây vàng, làm được 7 mùa biển bán chỉ hơn 100 triệu đồng. Hiện giờ, có 5-7 chủ ghe đang rao bán thuyền nhưng chưa có ai mua. Có những chiếc ghe nằm bờ, ai mua gì bán nấy” - ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông ngư dân xã Nhơn Hải, cho biết.
Tháng trước, ông Lê Trọng Du ở thôn Hải Nam phải bán chiếc ghe của gia đình với giá hơn 100 triệu đồng. Ông tâm sự: “Dầu tăng, ngư lưới cụ cũng tăng theo. Mỗi lần đưa ghe lên bờ tu bổ cũng mất 5-7 triệu đồng. Nghề biển ngày càng hẻo, nên tìm bạn cũng khó. Để ghe nằm lâu lại hao mòn, hư hỏng, nên tôi quyết định bán”.
Năm nay 49 tuổi, gắn bó với biển từ năm 15 tuổi, có thể nói, phải khó khăn lắm ông Du mới chịu bán đi chiếc ghe là “cần câu cơm” của cả gia đình. Nhà ông có 6 người, trong đó có 2 con đang đi học. Từ ngày ông bán ghe, cả nhà phải chắt bóp chi tiêu. Ông cứ quanh quẩn ở nhà, chưa tìm được công việc gì để làm. “Chưa thấy năm nào khốn khó như năm nay. Mấy ghe giã cào, đánh bắt gần bờ cũng không sống nổi. Ngư dân chúng tôi chỉ mong giá trị con cá, con tôm theo kịp mặt bằng tăng giá dầu; Nhà nước có chính sách giữ giá, hỗ trợ ngư dân vượt qua thời điểm khó khăn này”- ông Du bày tỏ.
Mong mỏi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cũng là nguyện vọng chung của ngư dân trong tỉnh. “Điều mong mỏi nhất đối với ngư dân lúc này là Nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ giá dầu, hỗ trợ đối với nghề cá để góp phần giảm bớt khó khăn, ngư dân có thể sống được với nghề. Ở địa phương, chúng tôi chỉ biết ghi nhận ý kiến của ngư dân, động viên họ cố gắng bám biển, giữ nghề thôi.” - ông Trần Văn Tiện cho biết.
Có một thực tế đáng lưu ý, trước thực trạng khó khăn của nghề biển, hiện đã có không ít bạn thuyền bỏ nghề biển đi tìm việc làm khác để kiếm sống. Rất nhiều chủ tàu lo lắng, nay mai khi có điều kiện hoạt động đánh bắt trở lại, họ khó có thể tìm đủ người cho những chuyến ra khơi…
|