Trong 2 ngày (5 và 6.5), 14 ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đã tiếp xúc cử tri tại một số địa phương để vận động bầu cử. Tại các điểm tiếp xúc, nhiều cử tri đã đặt niềm tin và kỳ vọng vào các đại biểu, nếu trúng cử. Báo Bình Định đã ghi lại một số ý kiến gởi gắm của cử tri.
|
Cử tri Lê Thị Kim Hồng, ở xã Nhơn Phong (An Nhơn) đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên ĐBQH khóa XIII. Ảnh: N.Phúc
|
CỬ TRI NGUYỄN VĂN SƯU (PHƯỜNG BÙI THỊ XUÂN, QUY NHƠN):
ĐBQH phải góp phần “tiêu diệt” nạn tham nhũng
Song song với nhiệm vụ chuyên môn, ĐBQH phải dành thời gian thỏa đáng để gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh kịp thời với Quốc hội. Chúng tôi mong rằng các ĐBQH khóa XIII lần này phải nâng cao năng lực giám sát, chất vấn những vấn đề an sinh xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, thể hiện được mong muốn của người dân. Hiện nay, các cán bộ, đảng viên, nhân dân đang rất bức xúc về tình trạng tham nhũng trong xã hội. Trọng trách mà nhân dân muốn gởi tới các đại biểu lần này là phải đồng lòng, mạnh dạn đề ra các biện pháp đấu tranh và “tiêu diệt” được nạn tham nhũng, lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng, vào Nhà nước và Quốc hội.
CỬ TRI NGUYỄN TẤN BÍCH (PHƯỜNG LÊ LỢI, QUY NHƠN):
ĐBQH phải đủ dũng cảm trước... “áp lực”
Tôi thấy trong chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH đều hứa sẽ làm rất nhiều việc, nhưng cái mà cử tri chúng tôi cần là ĐBQH sẽ làm được gì để thực hiện lời hứa đó. Tôi thấy đoàn ĐBQH Bình Định những khóa gần đây ít phát biểu, chất vấn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng đã là ĐBQH- cho dù chỉ là bán chuyên trách- cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề xã hội được quan tâm; làm sao để tiếng nói của đoàn ĐBQH Bình Định có trọng lượng hơn nữa. Khi cần, ĐBQH phải đủ dũng cảm để không chịu áp lực từ nhiều phía, dám đấu tranh trước cái tốt- cái xấu, đúng - sai, nên - không nên.
Mong rằng, bên cạnh các quyết sách vĩ mô cho đất nước, Quốc hội khóa XIII sẽ tập trung bàn những biện pháp hỗ trợ đời sống của cán bộ hưu trí, người dân thu nhập thấp trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
CỬ TRI NGUYỄN QUỐC HƯNG (THỊ TRẤN ĐẬP ĐÁ, AN NHƠN):
Phải phản ánh trung thực ý kiến của cử tri
ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Chính vì vậy, ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến và kỳ vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước liên quan.
Qua theo dõi nhiệm kỳ Quốc hội các khóa, ĐBQH đã thật sự nói tiếng nói của nhân dân. Nhiều ĐBQH đã có bản lĩnh và trí tuệ, thực sự xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Cử tri mong muốn các đại biểu nếu trúng cử sẽ tham gia cùng ĐBQH cả nước làm các việc: Có biện pháp phòng chống thiên tai tốt, bởi Việt Nam là một trong những nước thiên tai bão lụt, biến đổi khí hậu thường xảy ra liên tục. Phát triển kinh tế phải thực sự bền vững. Phải giám sát chặt chẽ những công trình chất lượng kém, chưa nghiệm thu đã hư hỏng, rất lãng phí.
CỬ TRI BÙI VĂN CƯỚC (HOÀI TÂN, HOÀI NHƠN):
Mong ứng cử viên ĐBQH hãy giữ lời hứa
Tôi rất đồng tình với chương trình hành động mà các vị ứng cử viên ĐBQH khóa XIII đã nêu ra. Tuy nhiên, tôi chỉ mong các vị hãy giữ lời hứa; phản ánh thẳng thắn và trung thực những kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước để làm sao đời sống của người dân chúng tôi ngày càng được nâng cao.
Tôi cũng mong các ứng cử viên ĐBQH khóa này hãy kiến nghị để Chính phủ, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ của cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Với mức phụ cấp 436 ngàn đồng/tháng cho Trưởng thôn và 120 ngàn đồng/năm đối với Xóm trưởng thì không thể đòi hỏi những người này làm việc một cách nhiệt tình và hiệu quả được. Chăm lo hơn nữa đời sống của cán bộ không chuyên trách ở cơ sở cũng là một cách góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Hiện nay, người dân, đặc biệt là những nông dân như chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn bởi giá cả mọi mặt hàng liên tục tăng. Trong khi đó, sản phẩm người nông dân làm ra tiêu thụ lại rất bấp bênh; điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hầu như năm nào cũng có.
CỬ TRI NGUYỄN TOÀN MỸ (HOÀI HẢI, HOÀI NHƠN):
Giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị
Người dân ở các xã ven biển như tôi chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ nghề làm biển là chính. Tuy nhiên, những năm gần đây, người làm nghề biển gặp vô cùng khó khăn khi giá xăng, dầu liên tục tăng. Nhiều gia đình đã phải bỏ nghề, để tàu thuyền nằm bờ vì không có vốn tái đầu tư. Cuộc sống vốn vất vả lại càng khó khăn, nghèo khó thêm.
Nền kinh tế thị trường có mặt tốt nhưng cũng có mặt hạn chế của nó. Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là khoảng cách giàu- nghèo giữa người thành thị và dân nông thôn ngày một gia tăng. Nếu không kịp thời có biện pháp giải quyết, khoảng cách giàu- nghèo giữa thành thị và nông thôn tiếp tục giãn ra ngày một lớn thì tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước sẽ có nhiều căng thẳng.
Tôi mong các ứng cử viên ĐBQH hãy làm đúng những điều đã hứa để làm sao tăng mức sống cho người dân ở các vùng nông thôn; dần dần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
|