Đăk Mang là xã vùng cao của huyện Hoài Ân, nằm cách trung tâm huyện hơn 30 cây số. Trước đây, cuộc sống của bà con Đăk Mang vô cùng khó khăn, đường sá đi lại vất vả, phải đi bộ và xe đạp là chủ yếu. Vì vậy, những sản phẩm của người dân sản xuất như mì, chuối, đậu, bắp… không có nơi tiêu thụ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo của Đăk Mang chiếm khá cao.
|
Nhà văn hóa làng O6, xã Đăk Mang. Ảnh: T.Q.C
|
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Đăk Mang ngày một khởi sắc. Đến nay, toàn xã đã có 80% đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại giữa các địa phương. Đáng mừng là tỉ lệ hộ nghèo giảm hằng năm từ 6 đến 8%.
Chuyển biến lớn nhất trong nhận thức của người dân là đã yên tâm định canh, định cư. Nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố, cây lúa không còn “khát nước” như trước; năng suất lúa đã nâng từ 32 tạ/ha lên 45 tạ/ha. Nhiều hộ giờ đây đã vươn lên làm giàu nhờ kết hợp chăn nuôi và trồng rừng, hằng năm thu về 75-100 triệu đồng; như, hộ anh Đinh Cao Thới, Đinh Bá Nê... Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư trang trại để chăn nuôi heo rừng.
Bên cạnh kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Đăk Mang cũng được cải thiện đáng kể. Tuy là vùng cao, nhưng nhờ được đầu tư hệ thống đài truyền thanh không dây nên 100% số hộ dân được nghe đài phát thanh. Hiện nay, Trạm y tế xã Đăk Mang có 1 bác sĩ và 3 y sĩ, là trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nên phụ nữ khi sinh đẻ đều đến Trạm y tế. Đăk Mang là xã vùng cao duy nhất của Hoài Ân không có hộ gia đình sinh con thứ 3 trong 5 năm liền.
Có tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con Đăk Mang mới hiểu hết ý nghĩa của công cuộc đổi mới, nhất là từ chính sách xóa đói giảm nghèo. Với chương trình 134 và chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167, đến nay, toàn xã không còn hộ nào nằm trong diện nhà tạm bợ. Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đinh Xuân Thẩm hào hứng: “Nhân dân Đăk Mang bây giờ phấn khởi lắm, nhà nào cũng có 1 đến 2 xe máy, có ti vi, đầu đĩa. Đăk Mang đã có sinh viên đại học, tình trạng mù chữ đã bị xóa sổ”.
Tạm biệt vùng cao Đăk Mang, chúng tôi ra về trên con đường bê tông nằm giữa những hàng keo và bạch đàn xanh mướt, trong lòng tràn đầy hy vọng về một Đăk Mang khang trang, giàu đẹp...
|