Bên trong cánh cửa Bệnh viện Tâm thần Bình Định, những người điều dưỡng vẫn ngày đêm tận tụy với những công việc cực nhọc và đầy bất trắc. Họ chẳng khác nào những “bảo mẫu” của bệnh nhân.
Bầu không khí yên tĩnh của Bệnh viện Tâm thần Bình Định thường xuyên bị phá tan bởi những tiếng ồn ào, la hét của bệnh nhân. Góc sân, một vài bệnh nhân ánh mắt vô hồn, vật vờ đi lại hoặc tự lẩm bẩm những điều không ai hiểu… Tất cả những hành động đó, các điều dưỡng đều phải đưa vào “tầm ngắm” để có thể kiểm soát, xử lý khi người bệnh lên cơn kích động.
|
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần. |
Khi nói về những bệnh nhân của mình, gương mặt điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ, khoa Điều trị I của bệnh viện ánh lên niềm vui. Sau 4 năm gắn bó với bệnh viện, chị Lệ vẫn nhớ như in ngày đầu tiên bước chân vào nghề với cảm giác e ngại, sợ sệt. Nhưng nhìn riết rồi quen, làm riết rồi thương! “Có rất nhiều người bệnh không chịu tiêm thuốc vì quả quyết mình không có bệnh. Lắm lúc, chúng tôi phải thủ thỉ tâm tình với họ như những người thân trong gia đình và lắng nghe họ nói những điều vô nghĩa. Phải rất kiên nhẫn mới cho họ uống thuốc được” - chị Lệ tâm sự.
Những lúc bệnh nhân không kiểm soát được hành vi thì các điều dưỡng chẳng khác nào “bảo mẫu” của họ, từ việc cho ăn uống, thay quần áo, uống thuốc… Chuyện điều dưỡng bị bệnh nhân trêu ghẹo, tán tỉnh, hay cho ăn đấm, ăn đá xảy ra như cơm bữa. Khổ nhất là mỗi lần bệnh nhân lên cơn thoát ra bên ngoài, hay trèo leo lên nóc nhà nguy hiểm.
Cách đây không lâu, vì phải giữ cho bệnh nhân qua cơn kích động mà điều dưỡng Trần Quang Sơn, khoa Điều trị I, đã bị quất dây xích vào mặt phải khâu 4 mũi. Rồi bị bệnh nhân đập mũ bảo hiểm vào đầu khi anh leo lên mái nhà của bệnh viện để “dụ” họ từ từ leo xuống đất an toàn… Với những công việc cực nhọc và nguy hiểm ấy, anh Sơn bảo nếu không có lòng yêu nghề, chắc anh không trụ nổi.
Còn với điều dưỡng Bùi Thị Thu Thủy, khoa Điều trị II, dù đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tự vệ sau 14 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, nhưng cũng có những lúc không thể tránh khi bị bệnh nhân tấn công bất ngờ, xé áo…
Đối với những điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần, những người không đủ sáng suốt để nói lời cảm ơn, thì việc giúp được mỗi mảnh đời, mỗi số phận tái hòa nhập cộng đồng để giảm bớt gánh nặng cho xã hội là niềm hạnh phúc. Nhìn họ nhẫn nại đưa thuốc, tiêm thuốc và dỗ dành bệnh nhân lơ ngơ mới hiểu sâu được ý nghĩa của khái niệm “y đức”.
|