Từ ngày 15.4.2011, Thông tư 04 của Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này quy định: đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) được cung cấp ít nhất 3 bữa sáng, trưa và tối mỗi ngày; bảo đảm đủ calo, có chất đạm. Tuy nhiên, trong thời điểm này, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đối tượng BTXH không phải đơn giản.
|
Trại viên Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội trồng rau để cải thiện bữa ăn.
|
* Bữa ăn ít thịt, nhiều rau
Tháng 3.2011, tôi có dịp ghé Trung tâm BTXH Đồng Tâm đúng lúc chị nuôi đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các em khuyết tật, gồm: cơm, rau muống luộc, một miếng đậu kho và một miếng chả cá chiên vừa bé, vừa mỏng. Cũng phải thôi, chế độ 7.000 đồng/người/ngày, làm sao có nhiều thịt, cá.
Bắt đầu từ tháng 4.2011, chế độ ăn của các em ở đây được tăng lên mức 8.500 đồng/ngày. Trong đó, 6.000 đồng dành cho thực phẩm tươi, phần còn lại chi phí cho gạo, chất đốt, gia vị… “Với chế độ ăn mới này, bữa ăn các em đã có thêm được chút thịt, cá tươi song cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu “no”, chứ chưa “ngon””- ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm, tâm sự.
Trong khi đó, ở Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội, đến thời điểm này, chế độ ăn cho trại viên là 300 ngàn đồng/người/tháng. Ông Lê Văn Liễn, Phó giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Mức ăn này không thể đáp ứng nhu cầu của người lớn. Chỉ hôm nào cá rẻ thì bữa ăn mới có cá ồ, cá nục. Riêng thịt heo thì chỉ thỉnh thoảng. Lãnh đạo Trung tâm đã đề xuất lên trên, xin nâng chế độ ăn của trại viên lên mức 360 ngàn đồng/tháng, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm”.
Vì ngoài chức năng giáo dục đối tượng 05, 06 (gái mại dâm và người nghiện ma túy), Trung tâm còn tiếp nhận các đối tượng lang thang nên công tác chăm sóc rất vất vả. Đối tượng lang thang đa phần có nhiều bệnh tật, phải lo thuốc men, cho ăn uống theo chế độ đặc biệt.
Có lẽ, chế độ dinh dưỡng ở Trung tâm BTXH tỉnh là ổn hơn cả. Bà Ngô Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chế độ dinh dưỡng ở đây được thực hiện theo định lượng dinh dưỡng quy định tại Quyết định 657 của UBND tỉnh. Chế độ ăn uống luôn được đảm bảo đủ lượng và chất. Những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người tàn tật nặng, người cao tuổi… ở khu chăm sóc đặc biệt đều có chế độ dinh dưỡng riêng”.
Tuy nhiên, bà Huệ cũng thừa nhận, thời gian qua, do giá cả thị trường tăng nhanh nên mức ăn từ 400 ngàn đồng/người/tháng vào đầu năm 2011 đã tăng lên trên 500 ngàn đồng.
|
Trẻ tàn tật nặng ở Trung tâm BTXH tỉnh có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt.
|
* Tận dụng nguồn hỗ trợ, tăng gia sản xuất
Trước tình hình giá cả leo thang, các cơ sở BTXH đều nỗ lực tìm cách cải thiện kinh phí hoạt động. Nhiều cơ sở cố gắng vận động nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Với Trung tâm BTXH Đồng Tâm, mỗi năm được các nhà hảo tâm hỗ trợ từ 16-17 triệu đồng để chăm lo cho các em khuyết tật. Ngoài tiền mặt, còn có gạo, mì tôm. Mì tôm được sử dụng cho các bữa ăn sáng, tiền ăn sáng sẽ cộng dồn vào các bữa ăn còn lại. Thỉnh thoảng các em khuyết tật ở Trung tâm còn được các tổ chức từ thiện nấu cho những bữa ăn ngon.
Đối tượng phục vụ của các cơ sở BTXH, gồm: Người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người lang thang, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 68/2008/NĐ-CP, đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội. |
Những năm gần đây, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm. Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Trung tâm, cho biết: “Những bữa ăn từ thiện của các nhà hảo tâm ngoài ý nghĩa vật chất còn mang giá trị tinh thần, nó chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng đối với người bất hạnh”.
Hầu hết các cơ sở BTXH khi nhận được sự trợ giúp của cộng đồng đều biết cách ghi nhận. Mỗi lần có người đến hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh lại gửi thư cảm ơn. Đó cũng là cách “níu chân” các nhà từ thiện, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong họ, để tiếp tục có những hoạt động trợ giúp sau này…
Ngoài ra, các cơ sở BTXH đều chú trọng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội có diện tích khá rộng (4 ha), hiện giờ có gần 4 sào rau, ớt. Ngoài ra, các loại cây lâu năm như xoài, điều, mít… cũng cho thu hoạch thường xuyên. Trại chăn nuôi cũng được duy trì hiệu quả. Kinh phí thu được từ nguồn tăng gia này được để dành, đến khi có lễ, tết, Trung tâm lại tổ chức bữa ăn ngon cho trại viên.
Với Trung tâm BTXH tỉnh, tuy diện tích không rộng rãi lắm, nhưng các cán bộ nơi đây cũng khéo léo sắp xếp không gian, tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau, nuôi cá, nuôi heo… Không chỉ đơn giản là để “nâng chất” bữa ăn, hoạt động tăng gia này còn giúp các đối tượng BTXH phục hồi chức năng, tìm thấy niềm vui trong lao động, thấy mình còn có ích…
|