Làm dân số ở địa bàn miền núi như thôn Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) tưởng đơn giản nhưng lại khó. Và trong cái khó ấy, Tà Lét vẫn giữ vững danh hiệu 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Tà Lét hiện có 38 hộ dân với 166 nhân khẩu, chủ yếu là người Bana. Đây là những hộ dân nằm trong diện di dời khu vực lòng hồ Định Bình. Trình độ dân trí của đồng bào chưa đồng đều nên việc vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề trong tiềm thức của nhân dân. Năm 2006 trở về trước, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên của đồng bào Tà Lét vẫn còn khá phổ biến.
Trước tình hình đó, lãnh đạo xã đã chỉ đạo Ban Dân số xã lập kế hoạch hoạt động chương trình DS-KHHGĐ ngay từ đầu năm, giao chỉ tiêu cụ thể. Song song đó là công tác tuyên truyền bằng hình thức lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể, họp dân được đẩy mạnh. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đã tác động mạnh đến việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.
Công tác tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở Tà Lét rất được coi trọng. Nhưng cái khó nhất là giao thông. Cùng với việc đến từng gia đình vận động, phương tiện gần gũi và vô cùng hiệu nghiệm là chương trình phát sóng trên truyền hình được đặt ở nhà sinh hoạt truyền thống của làng. Ngay cả đội chiếu bóng lưu động trước khi bắt đầu chương trình chính thức cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền DS-KHHGĐ…
Mặt khác, ở Tà Lét, hiểu được rằng người Bana có truyền thống sống đoàn kết cộng đồng cao nên trong các cuộc vận động, cộng tác viên dân số nhắm đến một vài người để được ủng hộ thì cũng sẽ được mọi người hưởng ứng. Hay đi nhận dịch vụ đồng bào cũng đi theo từng nhóm, cùng nhận một loại phương tiện tránh thai. Chị Đinh Thị Bường, cộng tác viên DS-KHHGĐ của thôn, đã bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi, tích cực tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện công tác DS - KHHGĐ.
Những hoạt động tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” nói trên đã giúp Tà Lét thoát khỏi tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, trở thành 1 trong 14 thôn, khu vực của cả tỉnh được khen thưởng về thành tích này. Chị Đinh Thị Bường vui vẻ cho biết: “Bây giờ, đồng bào Bana ở Tà Lét đã hiểu chỉ nên sinh ít con để tập trung sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no”.
|